Có thể thấy hiện nay ở các doanh nghiệp có một hình thức xử lý kỷ luật người lao động vi phạm nội quy của công ty, đó chính là phạt tiền. Vậy hình thức xử lý này có hợp pháp? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
2. Kỷ luật lao động là gì
– Kỷ luật lao động được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như các biện pháp xử lý đối với những người không chấp hành hoặc không chấp hành đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đó.
– Chủ thể có thẩm quyền: người sử dụng lao động
-Đối tượng: Người lao động
-Căn cứ:
+Hành vi vi phạm kỷ luật lao động quy định trong nội quy hoặc pháp luật
+ Có yếu tố lỗi của người lao động
3. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
Theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm:
– Khiển trách.
– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
– Cách chức.
– Sa thải.
Hiện nay pháp luật chỉ quy định 4 hình thức xử lý kỷ luật này. Do đó người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khác cho người lao động ngoài 4 hình thức trên.
4. Có được phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy công ty?
Theo Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, cụ thể như sau:
“Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.”
Theo đó, khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động không được thực hiện những hành vi sau:
– Không được xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
– Không được phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.
– Không được xử lý kỷ luật lao động đối với các hành vi không có trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc pháp luật về lao động không quy định.
Như vậy, trường hợp công ty xử phạt tiền người lao động khi đi trễ, làm việc riêng trong giờ làm,… thay thế cho việc xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị pháp luật cấm.
5. Xử lý hành vi vi phạm của công ty
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất như sau:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định;
+ Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động;
+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Do công ty là tổ chức nên theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt với tổ chức sẽ gấp đôi so với mức phạt với cá nhân.
Như vậy, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì công ty bạn sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật bạn. Ngoài ra, công ty còn phải buộc trả lại khoản tiền đã thu cho bạn.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên vi phạm nội quy bằng hình thức phạt tiền theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My