Để đảm bảo bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình thì các bên đã áp dụng biện pháp bảo đảm phù hợp. Khi bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận thì tài sản được dùng bảo đảm sẽ bị xử lý. Vậy tài sản bảo đảm được xử lý như thế nào.
Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật Đấu giá tài sản 2016
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008
2. Tài sản bảo đảm là gì
Tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc…
3. Các trường hợp cần xử lý tài sản bảo đảm
Theo Điều 299 Bộ luật dân sự 2013 thì các trường hợp xử lí tài sản đảm bảo bao gồm:
– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
– Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Lưu ý: Nếu việc bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà việc không thực hiện, thực hiện không đúng này thuộc trường hợp bất khả kháng thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm dân sự. Lúc này tài sản bảo đảm không bị xử lý.
4. Các phương thức xử lý tài sản
Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
4.1 Bán đấu giá tài sản
Đấu giá tài sản là phương thức bán tài sản phổ biến nhất để xử lý tài sản bảo đảm và tài sản thi hành án. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thể thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm về việc bán đấu giá tài sản để xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, phương thức bán đấu giá tài sản có thể được sử dụng để xử lý tài sản bảo đảm trong ba trường hợp chính:
(i) Nếu các bên có thỏa thuận sử dụng phương thức xử lý bảo đảm này
(ii) Bán tài sản đã kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản thì do tổ chức bán đấu giá thực hiện; Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau: Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điều 101, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014)
(iii) Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm (khoản 2, Điều 303, Bộ luật dân sự 2015).
Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Hiện nay, bán đấu giá tài sản được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản 2016
4.2 Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản
Điểm b, Khoản 1, Điều 303 cho phép bên nhận bảo đảm là người không phải chủ sở hữu của tài sản bảo đảm – được tự bán tài sản bảo đảm. Như vậy, để bên nhận bảo đảm được tự mình bán tài sản cầm cố hay thế chấp, chỉ cần các bên có thỏa thuận về phương thức xử lý bảo đảm này, mà không cần có ủy quyền của bên bảo đảm cho bên nhận bảo đảm vì mục đích này. Đối với phương thức xử lý tài sản bảo đảm này cần lưu ý một số điểm sau:
– Do điều luật này không giới hạn phương thức tự bán tài sản thế chấp nên có thể trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản với người mua hoặc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản (là trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hay doanh nghiệp đấu giá tài sản) để bán tài sản thế chấp sau khi nhận bàn giao tài sản bảo đảm từ bên thế chấp
– Về bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý – Điều 301 quy định “người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý […]. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
– Quy định hiện hành không đặt ra yêu cầu là biên bản bàn giao tài sản giữa các bên phải được công chứng, chứng thực.Tuy nhiên, khi xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức này, cần lưu ý như sau:
+ Trường hợp bán tài sản thế chấp thông qua đấu giá: phải đảm bảo đã chiếm hữu hoặc quản lý trên thực tế đối với tài sản thế chấp.
+ Trường hợp bên nhận đảm bảo trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng cho người mua: ngoài lưu ý về việc có thể giao được tài sản trên thực tế như trên, bên nhận bảo đảm cần có biên bản bàn giao tài sản của bên bảo đảm.
4.3 Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm
Quy định hiện hành chỉ cho phép các bên thỏa thuận sử dụng phương thức này nếu nghĩa vụ được bảo đảm ở đây chính là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nói cách khác, phương thức xử lý bảo đảm theo thỏa thuận này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho một bên khác vay vốn tại Ngân hàng. Trong trường hợp này, các bên cần thoả thuận các phương thức xử lý bảo đảm khác.
4.4 Phương thức khác
Các bên có thể thỏa thuận phương thức xử lý khác ngoài những phương luật định. Tuy nhiên phương thức khác này không được vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Trên đây là những giải đáp về biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My