Quyền của người nhiễm HIV và những hành vi bị cấm trong phòng chống HIV

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi: Quyền của người nhiễm HIV và những hành vi bị cấm trong phòng chống HIV

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự 2015
  • Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người

II. HIV là gì?

HIV là một hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV (Human Immunodeficiency Virus). Virus gây nên bệnh HIV thuộc họ Retroviridae, là loại virus có vật chất di truyền là RNA một sợi dương có áo ngoài. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên và tấn công hệ miễn dịch của người bệnh bao gồm các đại thực bào, các lympho bào T. Kết quả làm suy giảm chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho sự phát triển hoặc xâm nhập của các vi sinh vật gây hại nên HIV còn gọi là bệnh cơ hội.

III. Quyền của người bị nhiễm HIV

Theo Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người thì  Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:

– Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

– Được điều trị và chăm sóc sức khỏe;

– Học văn hóa, học nghề, làm việc;

– Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;

– Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;

– Các quyền khác theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người bị HIV thường hay bị mọi người xa lánh do đó việc quy định họ được quyền sống hòa nhập với cộng đồng, được khám sức khỏe và được giữ bí mật là một điều phù hợp và nhân đạo.

IV. Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV

– Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

– Đe dọa truyền HIV cho người khác.

– Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

– Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

– Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.

– Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

– Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.

– Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

– Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

– Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

– Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

– Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Đây là những hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng chống HIV/AIDS, nếu vi phạm thì tùy vào hành vi vi phạm mà xã bị xử lý theo luật định.

V. Một số câu hỏi liên quan

Câu 1: Có phải mọi trường hợp làm lây nhiễm HIV cho người khác đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo Điều 148 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017 quy định: “Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, không phải mọi trường hợp làm lây nhiễm HIV đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi nếu nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, sau đó nạn nhân bị nhiễm HIV thì người bị HIV sẽ ko bị truy cứu.

Câu 2: Cố ý làm lây nhiễm HIV cho người không bị HIV thì bị xử phạt như nào?

– Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp tại mục 1, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Có tổ chức;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Đối với người dưới 18 tuổi;

+ Đối với từ 02 người đến 05 người;

+ Lợi dụng nghề nghiệp;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

+ Đối với 06 người trở lên;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về quyền của người bị nhiễm HIV và những hành vi bị cấm trong phòng chống HIV theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 15/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *