Hiện nay có rất nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của do đó việc phòng cháy chữa cháy cần được quan tâm hơn. Các cơ sở cần tuân các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy để tránh những hậu quả đáng tiếc. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các quy định phòng cháy chữa cháy ở cơ sở.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy
- Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
II. Cơ sở là gì?
Theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 thì cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định.
III. Quy định phòng cháy đối với cơ sở
Căn cứ Điều 20 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định phòng cháy đối với cơ sở như sau:
– Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án PCCC (sau đây gọi tắt là PCCC) độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:
+ Có quy định, nội quy về an toàn PCCC;
+ Có các biện pháp về phòng cháy;
+ Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;
+ Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về PCCC;
+ Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;
+ Bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC;
+ Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC.
– Đối với cơ sở khác thì thực hiện các yêu cầu về phòng cháy quy định nêu trên phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó.
– Những đối tượng quy định tại các điều từ Điều 21 đến Điều 28 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) ngoài việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy quy định nêu trên, còn phải thực hiện các biện pháp đặc thù về PCCC cho từng đối tượng đó.
IV. Điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở
Điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
– Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
– Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này
Thứ hai, Cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC sau đây:
– Các điều kiện sau:
+ Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
Trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC;
– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC theo quy định tại Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Thứ ba, Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở đã bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC nêu tại điểm (1) và (2), trong phạm vi quản lý của mình phải thực hiện các nội dung sau đây:
– Phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
– Sử dụng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn PCCC;
– Cử người tham gia đội PCCC cơ sở;
– Phối hợp với người đứng đầu cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.
V. Xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy
Khi vi phạm yêu cầu về PCCC, người vi phạm có thể bị phạt tiền vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng nếu gây thiệt hại về tài sản dưới 20 triệu đồng.
– Phạt từ 01 – 03 triệu đồng nếu gây thiệt hại về tài sản từ 20 -dưới 50 triệu đồng.
– Phạt từ 03 – 05 triệu đồng nếu gây thiệt hại về tài sản từ 50 – dưới 100 triệu đồng
– Phạt từ 05 – 10 triệu đồng nếu gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng; Gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ một người có tỷ lệ tổn thương dưới 61%.
– Phạt bổ sung: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.
2. Chịu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy ở mức độ nguy hiểm hơn thì người vi phạm có thể phải ngồi tù đến 12 năm về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại Điều 313 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 năm 2017.
Trên đây là những giải đáp về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 30/11/2023