Chi nhánh

CHI NHÁNH

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Winlegal tìm hiểu về chi nhánh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang muốn mở thêm chi nhánh nhưng không biết thực hiện thủ tục như thế nào? Mở thêm chi nhánh có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp không?

I. CHI NHÁNH LÀ GÌ?

Tại điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Như vậy, chi nhánh phải là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của chi nhánh đều phải nằm trong phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Chi nhánh có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp. 

Ví dụ, Công ty A kinh doanh ngành nghề sản xuất may mặc, giày, dép tại Hà Nội. Công ty A thành lập chi nhánh ở Bắc Ninh thì chi nhánh đó sẽ được thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của công ty A, đồng thời cũng sẽ chỉ được kinh doanh một trong những ngành, nghề mà công ty A đang kinh doanh. 

II. Chức năng và phạm vi hoạt động của Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện

Chi nhánh Địa điểm kinh doanh Văn phòng đại diện

Chức năng và phạm vi hoạt động

  • Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền
  • Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
  • Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. 
  • Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. 

Như vậy, chi nhánh có nhiệm vụ và quyền hạn khác với địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện. 

III. ĐẶT TÊN VÀ ĐĂNG KÝ TÊN CHI NHÁNH

Căn cứ tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 20 Nghị định 01/2021 quy định về cách đặt tên và đăng ký tên chi nhánh doanh nghiệp. 

1. Đặt tên chi nhánh

Tên chi nhánh được đặt phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020: 

  • Tên chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu;
  • Tên chi nhánh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”;
  • Tên chi nhánh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh. Tên chi nhánh được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh phát hành. 

2. Đăng ký tên chi nhánh

Bên cạnh đáp ứng các điều kiện về đặt tên chi nhánh, thì khi đăng ký tên chi nhánh cũng phải thực hiện theo điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định 01/2021:

     “1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp.

  1. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
  2. Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
  3. Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.”

Tên chi nhánh phải được đặt bằng tiếng Việt, hoặc bằng chữ cái, ký hiệu, chữ số mà pháp luật quy định. Bên cạnh đó, khi đặt tên chi nhánh bằng tên nước ngoài thì tên đó phải được viết bằng hệ chữ La-tinh (Hệ chữ La-tinh là những chữ cái như: a,b,c,…). 

Cách đặt tên của chi nhánh không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”:

Ví dụ: Chi nhánh “công ty” ABY; Chi nhánh “doanh nghiệp” MMX. Nếu đặt tên như này thì tên chi nhánh của bạn là không hợp lệ

Đặt tên hợp lệ: Chi nhánh A  – Công ty CB (Công ty CB là công ty mẹ).

Riêng đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại. 

3. Nơi đặt tên chi nhánh

Tên công ty mẹ và chi nhánh sẽ được đặt tại chi nhánh chứ không đặt tại trụ sở của công ty mẹ. Khi thể hiện trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh phát hành, tên chi nhánh phải được thể hiện ở dưới tên doanh nghiệp, được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên Tiếng Việt của doanh nghiệp. Điều này cũng một phần giúp phân biệt được tên doanh nghiệp chính và chi nhánh của doanh nghiệp.

4. Những trường hợp bị xem là Trùng tên khi đặt tên chi nhánh 

Căn cứ tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn thì khi đặt tên chi nhánh cũng nên cần tránh những trường hợp sau:

  • Không đặt tên chi nhánh được viết, đọc hoàn toàn giống với tên chi nhánh đã đăng ký trước đó;
  • Tên viết tắt của chi nhánh trùng với tên viết tắt của chi nhánh đã đăng ký;
  • Tên bằng tiếng nước ngoài của chi nhánh trùng với tên bằng tiếng ngoài của chi nhánh đã đăng ký;
  • Tên riêng của chi nhánh chỉ khác với tên riêng của chi nhánh cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W, được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của chi nhánh đó;
  • Tên của chi nhánh chỉ khác với tên của chi nhánh cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “-”, “_”;
  • Tên của chi nhánh chỉ khác với tên của chi nhánh cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên của chi nhánh đó;
  • Tên của chi nhánh chỉ khác với tên riêng của chi nhánh cùng loại đã đăng ký trước: “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
  • Tên chi nhánh trùng với tên chi nhánh đã đăng ký. 

IV. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CHI NHÁNH

1. Có thể đặt chi nhánh doanh nghiệp ở đâu?

Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính. 

2. Hồ sơ đăng ký bao gồm

Doanh nghiệp muốn đăng ký hoạt động chi nhánh tại Việt Nam thì cần chuẩn bị các đầu mục hồ sơ theo quy định:

  • Thông báo thành lập chi nhánh;
  • Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về thành lập chi nhánh; 
  • Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh.

3. Nơi nộp hồ sơ

Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh.

4. Thời gian giải quyết

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
  • Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Văn phòng giao dịch: Số 623 La Thành, P. Thành Công, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *