Cá nhân có được xác định lại giới tính của mình không?

Vì một số lý do về mặt sinh học mà một số người bị xác định nhầm giới tính của mình. Vậy trong trường hợp lại họ có được xác định lại giới tính hay không? Trong phạm vi bài viết này công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính

II. Giới tính là gì?

Giới tính là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về phương diện sinh học, có sẵn từ khi sinh ra, đồng nhất và không biến đổi (trừ trường hợp có sự can thiệp của y học). Ví dụ nam giới có thể làm thụ thai, phụ nữ có thể sinh con và cho con bú.

III. Có được xác định lại giới tính của mình

Theo khoản 1 điều 36 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1.Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.”

Như vậy, cá nhân có quyền xác định lại giới tính của mình.

Tuy nhiên việc xác định lại giới tính chỉ được thực hiện nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:

– Giới tính bị khuyết tật bẩm sinh:

Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.

– Chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính:

Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Ngoài những trường hợp trên thì những trường hợp khác như là phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại thì pháp luật hiện nay chưa cho phép những cá nhân này được xác định lại giới tính.

IV. Nguyên tắc xác định lại giới tính

– Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.

– Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính.

– Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.

V. Sau khi xác định lại giới tính cá nhân cần làm gì?

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch;

 Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.

VI. Thủ tục xác định lại giới tính

1. Hồ sơ cần chuẩn bị

– Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế

Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải có đơn đề nghị; trường hợp xác định lại giới tính cho người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó;

–  Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu

2. Thủ tục thực hiện

Bước 1: Đề nghị xác định lại giới tính

 Người đề nghị xác định lại giới tính chuẩn bị hồ sơ và gửi hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính;

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho người đề nghị xác định lại giới tính trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Nếu không chấp nhận thì phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

+ Bước 2: Khám lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị để xác định lại giới tính:

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức việc khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định lại giới tính:

– Khám lâm sàng: Ngoại hình; Bộ phận sinh dục ngoài và trong; Các trắc nghiệm về tâm lý giới tính.

– Khám cận lâm sàng:Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các cán bộ chuyên môn có thể chỉ định các phương pháp khám cận lâm sàng sau: Siêu âm, nội soi, chụp X quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ; Xét nghiệm nội tiết tố; Xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính; Sinh thiết xác định tuyến sinh dục là tinh hoàn hay buồng trứng.

Sau khi có kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn để có chỉ định phù hợp trong việc điều trị xác định lại giới tính.

Điều trị xác định lại giới tính:

– Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người được xác định lại giới tính có thể hòa nhập cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất;

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tuổi của người đề nghị xác định lại giới tính để phẫu thuật, bảo đảm ở lứa tuổi sớm nhất;

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phẫu thuật và điều trị nội tiết sau phẫu thuật.

+ Bước 3: Cấp giấy chứng nhận y tế:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người đã được can thiệp y tế.

+ Bước 4: Đăng ký hộ tịch sau khi xác định lại giới tính.

Trên đây là những giải đáp về câu hỏi: cá nhân có được xác định lại giới tính của mình theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 23/01/2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *