Vì tính chất của một số công việc mà người lao động phải làm việc vào ban đêm. Làm việc ban đêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Do đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, pháp luật đã quy định cụ thể về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ thời gian làm việc ban đêm theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
2. Thời gian làm việc ban đêm
Căn cứ quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động 2019 thì giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Trường hợp nào được tính lương làm thêm giờ vào ban đêm
Theo điều Điều 107 Bộ luật luật lao động 2019 thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường.
Do đó, người lao động được tính là làm thêm giờ vào ban đêm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Làm việc vào ban đêm sau giờ làm việc của ngày làm việc bình thường.
– Làm việc vào ban đêm của ngày nghỉ hằng tuần.
– Làm việc vào ban đêm của ngày nghỉ lễ (Ngày Chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5, dịp Quốc Khánh 02/9, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch).
– Làm việc vào ban đêm của ngày nghỉ Tết (Tết Dương lịch, Tết Âm lịch).
– Làm việc vào ban đêm của ngày nghỉ có hưởng lương (Nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng).
Hiện nay Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn không đề cập cụ thể đến thời gian làm thêm giờ vào ban đêm. Do đó có thể tính thời gian làm thêm giờ vào ban đêm cũng được tính giống với làm thêm giờ vào ban ngày và đảm bảo không vượt quá thời gian làm thêm giờ tối đa:
– Không quá 60 giờ/tháng.
– Không quá 300 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt.
4. Tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm
Tùy vào từng ngày làm việc mà tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm trả cho người lao động sẽ được xác định theo Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
– Làm thêm giờ ban đêm của ngày làm việc bình thường:
+ Trước khi làm thêm giờ vào ban đêm, không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 200% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
+ Trước khi làm thêm giờ vào ban đêm, có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 210% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
– Làm thêm giờ ban đêm của ngày nghỉ hằng tuần:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 270% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
– Làm thêm giờ ban đêm của ngày nghỉ lễ:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 390% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
– Làm thêm giờ ban đêm của ngày nghỉ Tết:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 390% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
– Làm thêm giờ ban đêm của ngày nghỉ có hưởng lương:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = 390% x Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Số giờ làm thêm
5. Xử phạt hành vi không trả lương làm thêm giờ ban đêm theo mức quy định
Theo Điều 94 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Do đó, người lao động làm thêm vào ban đêm cũng phải được công ty trả đủ lương làm thêm theo quy định.
Nếu không người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng: Nếu có từ 01 đến 10 người lao động không được trả đủ lương làm thêm giờ ban đêm.
– Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng: Nếu có từ 11 đến 50 người lao động không được trả đủ lương làm thêm giờ ban đêm.
– Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng: Nếu có từ 51 đến 100 người lao động không được trả đủ lương làm thêm giờ ban đêm.
– Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng: Nếu có từ 101 đến 300 người lao động không được trả đủ lương làm thêm giờ ban đêm.
– Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng: Nếu có từ 301 người lao động trở lên không được trả đủ lương làm thêm giờ ban đêm.
Đây là mức phạt tiền dành cho người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải trả đủ tiền lương làm thêm giờ ban đêm cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu. Mức lãi suất trong trường hợp này được xác định theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm người sử dụng lao động xử phạt.
Trên đây là những giải đáp về thời gian làm việc ban đêm của người lao động theo quy định của pháp luật . Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My