Dấu bàn chân, dấu giày dép để lại ở hiện trường vụ án hay những nơi liên quan đến vụ án có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hung thủ trong quá trình điều tra. Do đó việc thu thập dấu bàn chân, dấu giày dép là rất cấp thiết và cần bảo đảm thu thập một cách chính xác, tránh làm hỏng dấu vết. Trong phạm vi bài viết này, công ty Luật Winlegal sẽ tìm hiểu về cách mà các điều tra viên thu thập, dấu giày dép.
Mục lục
1. Đặc điểm của sự hình thành dấu vết chân, giày, dép
Dấu vết chân, giày, dép để lại trong những trạng thái vận động khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng biệt.
– Khi đứng: Độ sâu của dấu vết phần gót bàn chân lớn hơn phần mũi bàn chân.
– Khi đi: Độ sâu của dấu vết phần gót và phần mũi bàn chân bằng nhau.
– Đi giật lùi: Hướng đi không thẳng, bước chân ngắn, chiều rộng của bước lớn, mép dấu vết lướt về phía gót; đất, cát bị hất theo hướng chuyển động.
– Khi chạy: Dấu vết hai bàn chân cách nhau một khoảng tương đối lớn, thường gấp hai lần khi đi. Độ sâu của dấu vết phần mũi bàn chân lớn hơn so với phần gót chân. Đất, cát thường bị hất về phía sau.
– Khi nhảy: Chiều dài bước chân lớn, dấu vết phần gót bàn chân có độ sâu lớn; đất, cát bắn về cả hai phía.
– Người mang vác nặng, quá béo, phụ nữ có thai và những người làm một số nghề như khuân vác, thủy thủ: Chiều dài bước chân giảm, dấu vết các ngón chân tòe ra, độ sâu của dấu vết lớn.
– Người tâm thần, sạy rượu: Hướng đi luôn bị thay đổi, chiều dài, chiều rộng, góc bước chân và bàn chân không ổn định.
– Người thọt, cụt: Dấu vết để lại thường bị mờ nhòe, chiều dài của bước chân không đều. Đối với người bị cụt một chân thì thiếu dấu vết của một bàn chân bị cụt hoặc thêm dấu vết nạng hai bên dãy bước đi.
2. Phương pháp thu lượm dấu vết chân, giày, dép
– Thu dấu vết cùng vật mang vết khi có thể.
– Sao in dấu vết khi dấu vết để lại là dấu vết in.
– Đúc khuôn dấu vết khi nó là dấu vết lõm bằng bột thạch cao, hồ silicon. Việc đúc khuôn dấu vết chân, giày, dép lõm bằng thạch cao thường được tiến hành qua các bước sau:
2.1 Phương pháp thạch cao ướt
– Phương pháp này thường được áp dụng để thu dấu vết chân, giày, dép lõm để lại trên vật mang vết có kết cấu vật chất tương đối bền vững.
– Chuẩn bị phương tiện: Bột thạch cao, nước (mỗi dấu vết cần 300 – 400g bột thạch cao và 200cm3 nước), bát cao su, khung ưe, nứa đã ngâm nước, thìa, dầu phun.
– Củng cố dấu vết: Dùng panh gắp nhẹ các vật lạ ra khỏi dấu vết, phun một lớp dầu nhờn hay nước xà phòng lên dấu vết để chống kết dính. Đối với dấu vết quá nông, phải be bờ cho dấu vết bằng đất, xi mềm, tre, nứa, bẹ chuối… cách cạnh dấu vết từ 1,5 – 2 cm.
– Pha thạch cao với nước theo tỷ lệ 10/6 hoặc 1/1. Phải đổ bột thạch cao vào nước, khuấy đều theo một chiều.
– Đổ thạch cao lên dấu vết: Đổ nhẹ nhàng vào dấu vết theo nguyên tắc chỗ sâu đổ trước. Khi thạch cao được 1/2 độ dày của dấu vết, tiến hành đặt cốt (tre, nứa) theo chiều dọc của dấu vết. Tiếp tục đổ thạch cao cho đầy vết.
– Khi khuôn thạch cao khô, nhẹ nhàng tháo khuôn ra và mang rửa sạch ở vòi nước chảy nhẹ. Không được dùng vật trung gian để rửa khuôn nhằm tránh làm mất các đặc điểm của dấu vết trên khuôn.
2.2 Phương pháp thạch cao khô
Phương pháp thạch cao khô được áp dụng để thu dấu vết lõm để lại trên những vật mang vết kém bền vững như đất cát, đất bụi.
Việc chuẩn bị cũng tương tự như đối với phương pháp thạch cao ướt. Để củng cố dấu vết, cần phun lên bề mặt dấu vết một lớp dung dịch nhựa được hoà tan trong aceton (2 – 3g xenlulo với 100ml axeton) hoặc một lớp gôm (dùng để đánh bóng gỗ). Sau đó, cho bột thạch cao vào rây, lắc cho bột rơi xuống phủ đều chôn dấu vết một lớp dày từ 1,5 – 2cm. Lấy vải xô thấm nước phủ lên bột, phun nước nhẹ nhàng để thạch cao từ từ thấm nước. Khi thạch cao đã ngậm no nước, cất vải xô ra, đặt cốt cho dấu vết, pha thạch cao với nước như trong phương pháp thạch cao ướt và đổ tiếp lần thứ hai lên dấu vết. Đợi cho khuôn dấu vết khô, mang ra vòi nước chảy nhẹ rửa sạch.
Trường hợp dấu vết lõm nằm sâu dưới nước, có thể dùng bột thạch cao tốt rắc từ từ xuống dấu vết cho đến khi đầy. Thạch cao vẫn khô và đông kết dưới nước tạo thành khuôn đúc dấu vết.
Trong mọi trường hợp, trên mặt trên của khuôn dấu vết cần ghi rõ ngày, tháng, năm thu vết, số vết, số vụ án liên quan…
3. Phương pháp ghi nhận dấu vết chân, giày, dép
– Chụp ảnh dấu vết: Trong trường hợp dấu vết chân, giày, dép để lại tạo thành dãy bước chân, cần chụp ảnh toàn bộ dãy bước chân đó. Sau đó, chụp ảnh riêng lẻ từng dấu vết chân trái và phải theo nguyên tắc chụp ảnh dấu vết, vật chứng.
– Mô tả dấu vết: Việc mô tả dấu vết chân, giày, dép vào biên bản khám nghiệm hiện trường được tiến hành theo nguyên tắc chung.
– Vẽ dấu vết: Trước hết phải đo dãy bước chân, sau đó chọn hai vết của bàn chân trái và phải rõ nhất để đo đạc chính xác và vẽ theo tỷ lệ 1/1. Những số liệu đo được phải ghi đầy đủ vào bản vẽ và biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trên đây là những giải đáp về cách thu thập dấu chân, dấu giày dép. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My