Tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật

Người lao động có thể bị người sử dụng lao động cho tạm đình chỉ công việc. Vậy tạm đình chỉ công việc là gì, khi nào bị tạm đình chỉ? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2.Tạm đình chỉ công việc là gì?

         Tạm đình chỉ công việc là buộc người lao động phải ngừng việc tạm thời để điều tra, xác minh những vụ vi phạm nội quy lao động phức tạp mà người lao động đó là đương sự.Tạm đình chỉ công việc không phải là một hình thức kỷ luật và cũng không phải là một thủ tục bắt buộc trong trình tự, thủ tục xử lí kỉ luật. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể áp dụng biện pháp này trong một số trường hợp nhất định trước khi xử lý kỷ luật người lao động để có thời gian điều tra xác minh hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động.

3.Điều kiện tạm đình chỉ công việc đối với người lao động

Theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 , người sử dụng lao động chỉ được phép tạm đình chỉ công việc người lao động trong trường hợp xảy ra vụ việc vi phạm nội quy lao động. Đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp;

+ Xét thấy nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.

+ Sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

4.Thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động

      Căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 , thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. 

5.Quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tạm đình chỉ công việc

– Trong trường hợp bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Điều này đảm bảo cho thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc vẫn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường.

– Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

– Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

– Người bị tạm đình chỉ công việc nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

6.Xử phạt hành chính liên quan đến tạm đình chỉ công việc

Theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì:

– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;

+ Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

– Biện pháp khắc phục: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP )

Trên đây là những giải đáp về vấn đề tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *