QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM

I CƠ SỞ PHÁP LÝ 

  • Luật trẻ em 2016
  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Nghị định số 130/2021/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

II HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM

Khoản 5 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về: Thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi hoặc bỏ mặc trẻ em…Như vậy xâm hại trẻ em là sử dụng các hình thức khác nhau nhằm mục đích làm tổn hại về thể chất, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em.

III CHẾ TÀI XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNH VI XÂM HẠI TRẺ EM 

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có thể bị xử lý theo quy định của Nghị định số 130/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

1 Xử phạt hành chính (Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

       + Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

       + Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

       + Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

       + Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) và buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em, buộc chấm dứt việc nhận chăm sóc, chuyển hình thức chăm sóc.

2 Truy cứu trách nhiệm hình sự

các tội phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị trừng trị trong những điều luật riêng:

– Hành vi hiếp dâm trẻ em: Đối với nạn nhân là trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì mọi trường hợp giao cấu đều bị coi là hành vi hiếp dâm trẻ em. Người phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn từ 7 năm đến 10 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.

– Hành vi cưỡng dâm trẻ em: Người phạm tội cưỡng dâm trẻ em có thể bị phạt tù có thời hạn từ 5 đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015.

– Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em: Người phạm tội có các hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em có thể đối diện với mức án tù từ 01 năm đến 05 năm, cao nhất có thể lên tới 15 năm theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015.

– Tội dâm ô trẻ em: Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác bị áp dụng hình phạt tù từ 06 tháng tới 03 năm, mức phạt tối đa có thể từ 7 năm đến 12 năm.

– Tội mua bán trẻ em: Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 người phạm tội có hành vi mua bán trẻ em có mức phạt tối thiểu 12 năm tù, với những hành vi nghiêm trọng được quy định tại khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức án có thể lên tới mức án tù chung thân.

– Tội đánh tráo trẻ em: Người phạm tội đánh tráo trẻ em có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 02 năm tới 5 năm, mức án tối đa lên tới 12 năm theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015.

– Tội chiếm đoạt trẻ em: Người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ trẻ em có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 3 năm đến 15 năm theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015.

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến mức án chung thân tùy thuộc vào mức độ tổn hại của người bị tổn thương theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

– Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động là trẻ em: Người nào sử dụng người lao động là trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 triệu đồng tới 200.000.000 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc áp dụng hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cao nhất là 12 năm.

Ngoài các tội phạm cụ thể nêu trên, người thực hiện hành vi phạm tội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm khác với các tình tiết định khung, khi nạn nhân là người dưới 16 tuổi.

Các điều luật trên nhằm cụ thể hóa độ tuổi của bị hại, giúp tăng cường sự bảo vệ cho đối tượng là trẻ em trước các hành vi xâm hại tình dục đang là vấn nạn xã hội lớn hiện nay. Khung hình phạt lớn nhất cho tội danh là mức án chung thân hoặc tử hình theo quy định của BLHS.

Các hình phạt liên quan đến trách nhiệm hình sự không chỉ là hình thức xử phạt cá nhân mà còn răn đe toàn xã hội, để mọi người đều biết rằng trẻ em cần được yêu thương, bảo vệ và mọi hành vi xâm phạm trẻ em đều phải chịu trách nhiệm hình sự ở mức độ phù hợp với cả bị cáo cũng như răn đe với xã hội.

Trên đây là những chia sẻ quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em. Nếu quý bạn đọc muốn tìm hiểu thêm các thông tin liên hệ theo hotline 0246.29.33.222/0976.718.066. Tại Công Ty Luật TNHH Winlegal có đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên Viên : Thu Luyến

Ngày xuất bản: 21/12/2023

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *