ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

 Hợp tác xã là loại hình hợp tác kinh doanh phổ biến ở nước ta và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Số lượng thành viên của hợp tác xã (hay còn gọi là xã viên hợp tác xã) tại Việt Nam có chiều hướng tăng khi mà Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về điều kiện để trở thành viên hợp tác xã. Trong phạm vi bài viết ngày hôm nay, CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL xin gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích về vấn đề này.

1 KHÁI NIỆM HỢP TÁC XÃ

        Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất,kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. (khoản 1 Điều 3 Luật Hợp Tác Xã 2012).

2 ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

        Theo quy định tại Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012 thì cá nhân, hộ gia đình hay pháp nhân đều có thể trở thành thành viên của hợp tác xã. Tuy nhiên tùy vào mỗi đối tượng mà lại có những điều kiện cụ thể khác nhau.

a) Điều kiện đối với cá nhân để trở thành thành viên hợp tác xã

        Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

  • Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
  • Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
  • Góp vốn theo điều lệ của hợp tác xã và theo quy định:
  • Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
  • Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

b) Điều kiện đối với hộ gia đình để trở thành thành viên hợp tác xã

        Theo quy định tại khoản 1 điều 13 Luật HTX 2012, hộ gia đình muốn trở thành xã viên hợp tác xã trừ hợp tác xã tạo việc làm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Là hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo pháp luật.
  • Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
  • Có đơn xin gia nhập và tán thành với điều lệ hợp tác xã;
  • Góp vốn theo quy định của Điều lệ HTX; góp sức dưới các hình thức trực tiếp quản lý, trực tiếp tham gia lao động sản xuất, tư vấn cung cấp kiến thức, kinh doanh và khoa học kỹ thuật cho hợp tác xã tuỳ thuộc vào nhu cầu của hợp tác xã;

        Hộ gia đình không có đủ các điều kiện trên không được là xã viên hợp tác xã. Việc hô gia đình có thể trở thành thành viên hợp tác xã là sự ghi nhận vai trò kinh tế hộ gia đình, hình thức sản xuất vừa và nhỏ phù hợp với tập quán làm ăn trong nông – lâm – ngư nghiệp và các ngành nghề khác ở nước ta. Hộ gia đình phải thực hiện góp vốn: vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ của hợp tác xã nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

c) Điều kiện đối với pháp nhân để trở thành thành viên hợp tác xã

        Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 193/2013/NĐ-CP thì pháp nhân Việt Nam muốn trở thành thành viên của hợp tác xã thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Pháp nhân Việt Nam theo quy định của Bộ luật dân sự có nhu cầu hợp tác với các thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
  • Pháp nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác xã phải có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã. Người ký đơn phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó.
  • Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó.
  • Góp vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.
  • Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.

        Như vậy, pháp nhân muốn trở thành xã viên hợp tác xã phải đáp ứng các yêu cầu trên sẽ được trở thành thành viên hợp tác xã. Pháp nhân không có đủ các điều kiện trên không được là xã viên hợp tác xã.

d) Điều kiện trở thành thành viên của hợp tác xã đối với cá nhân là người nước ngoài

        Ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật Hợp tác xã, cá nhân là người nước ngoài tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.
  • Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
  • Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.

 e) Đối với cá nhân là cán bộ, công chức:

       Cán bộ, công chức muốn trở thành xã viên hợp tác xã thì điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã được quy định chặt chẽ hơn.

        Căn cứ vào khoản 3 Điều 14 Luật viên chức năm 2010 về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định: “Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”. Như vậy, viên chức được phép tham gia hợp tác xã với tư cách là thành viên, nhưng không được là thành viên sáng lập và không được tham gia quản lý, điều hành Hợp tác xã.

f) Đối với hợp tác xã trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã:

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

       Hợp tác xã trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012, cụ thể như sau:

  • Có nhu cầu hợp tác với các hợp tác xã thành viên và có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Góp vốn theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Hợp tác xã 2012 và điều lệ liên hiệp hợp tác xã;
  • Điều kiện khác theo quy định của điều lệ liên hiệp hợp tác xã.

        Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; hợp tác xã có thể là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã trừ trường hợp Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy định khác. 

       Trên đây là bài phân tích mới nhất của Luật Winlegal về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thành viên, xã viên hợp tác xã theo quy định mới nhất năm 2023. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về hợp tác xã khác, vui lòng liên hệ: 0246.29.33.222/0976.718.066 để được tư vấn – hỗ trợ!

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thu Luyến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *