ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI

Nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại là hai hoạt động trên thực tế dễ nhầm lẫn giữa hai hoạt động này. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về sự khác nhau giữa hai hoạt động này trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Thương mại năm 2005; sửa đổi bổ sung năm 2017, 2019;
  • Nghị định số 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại;
  • Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương.

1. KHÁI NIỆM

  • Nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại năm 2005; sửa đổi bổ sung năm 2017, 2019 (Luật Thương mại).

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

  • Điều 166 Luật Thương mại quy định: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.

2. SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI

– Thứ nhất, về điều kiện đăng ký.

  • Trước khi tiến hành hoạt động thương mại, bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp nhượng quyền trong nước thì không phải đăng ký thủ tục nhượng quyền thương mại theo Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền của bên nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm theo Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP. 
  • Đối với hoạt động đại lý thương mại, điều kiện này không đặt ra đối với bên giao đại lý.

– Thứ hai, về nội dung của hoạt động thương mại.

  • Nội dung của nhượng quyền thương mại là bên nhượng quyền sẽ chia sẻ “quyền thương mại” cho bên nhận quyền thương mại và cho phép bên nhận quyền có thể sử dụng “quyền thương mại”. “Quyền thương mại” có thể là đơn giản như bí quyết kinh doanh hay rộng hơn là tổng hợp tất cả quyền đối với hầu hết các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
  • Nội dung của đại lý thương mại gồm bên giao đại lý và bên đại lý và bên đại lý với bên thứ ba. Bên đại lý thực hiện công việc, hoặc là mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý, hoặc là cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng và bên giao đại lý thanh toán thù lao cho bên đại lý. Bên đại lý lựa chọn bên thứ ba, bên đại lý không phải người mua bán hàng mà chỉ nhận hàng từ bên giao đại lý rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba và khi có hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba. 
  • Như vậy, đối tượng của nhượng quyền thương mại là “quyền thương mại”. Còn đối tượng của đại lý thương mại là hàng hóa, dịch vụ cụ thể. 

– Thứ ba, về tính chất của hoạt động thương mại.

  • Nhượng quyền thương mại thường mang tính chất lâu dài hơn và không mang tính thời vụ.
  • Đại lý thương mại thường có tính thời vụ. Đặc biệt với hình thức đại lý bao tiêu, khi mà đại lý chỉ thực hiện việc bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.

– Thứ tư, về trách nhiệm của các bên trong quan hệ.

  • Khi tiến hành nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận quyền được xác định là hai chủ thể kinh doanh độc lập và mối quan hệ gắn kết giữa hai bên là cùng kinh doanh dưới một tên chung và ở đây là nhãn hiệu hoặc thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, các bên nhận quyền phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của hàng hóa.
  • Khi tiến hành đại lý thương mại, bên giao đại lý vẫn là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý theo Điều 170 Luật Thương mại. Do đó, khi bên đại lý không bán được hàng hóa hoặc có vấn đề rủi ro đối với hàng hóa thì bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm. 

– Thứ năm, về bản chất từ các hoạt động thương mại.

  • Bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền có doanh thu từ hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Mặt khác, bên nhượng quyền có thể được nhận tiền nhượng quyền theo phương thức do hai bên thỏa thuận.
  • Thu nhập của bên nhận đại lý là thù lao do bên đại lý trả bằng hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá. Còn doanh thu của bên giao đại lý là doanh thu đến từ hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của bên đại lý.

– Thứ sáu, về sự tự do trong hoạt động của bên nhận chuyển nhượng và bên nhận đại lý.

  • Bên nhận nhượng quyền phải chịu kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền. Bên cạnh đó, bên nhượng quyền còn có quyền kiểm tra hoạt động của bên nhận quyền.
  • Bên đại lý được quyền chủ động trong việc tổ chức hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sao cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình và không cần đảm bảo sự thống nhất với các bên đại lý khác.

Trên đây là những nội dung về sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và đại lý thương mại, WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 17/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *