Cổ đông có được rút vốn khỏi công ty cổ phần không?

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc, cổng đông không muốn tiếp tục làm cổ đông/thành viên của công ty cổ phần mà họ đang là cổ đông nữa nên họ muốn rút vốn ra khỏi công ty. Vậy theo quy định của pháp luật cổ đông có được rút vốn ra khỏi công ty cổ phần? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc trên theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020

II. Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó. Vốn của công ty được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và được phát hành huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư.

III. Cổ đông trong công ty cổ phần

Cổ đông là người sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác trong phạm vi số vốn đã góp. Công ty phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa.

Công ty cổ phần có 03 loại cổ đông, bao gồm:

– Cổ đông sáng lập: Cổ đông sáng lập phải sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Có thể thấy, cổ đông sáng lập cũng chính là cổ đông phổ thông.

– Cổ đông phổ thông: Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông.

– Cổ đông ưu đãi: Người sở hữu cổ phần ưu đãi là cổ đông ưu đãi.

IV. Cổ đông có được rút vốn khỏi công ty cổ phần?

Theo quy định Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của cổ đông công ty cổ phần như sau:

“Điều 119. Nghĩa vụ của cổ đông

  1. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

…”

Như vậy, cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. Nếu cổ đông rút toàn bộ hoặc một phần vốn cổ phần đã góp trái quy định thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty sẽ cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Tuy nhiên cổ đông vẫn có thể rút vốn ra khi được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

V. Cách rút vốn ra khỏi công ty cổ phần

Như phân tích ở trên cổ đông không được rút vốn ra khỏi công ty cổ phần. Tuy nhiên cổ đông vẫn sẽ được rút vốn ra khỏi công ty nếu được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

1. Trường hợp công ty mua lại cổ phần 

Công ty sẽ mua lại cổ phần của cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc mua theo quyết định của công ty.

Thứ nhất công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

Cổ đông được yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình khi Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Việc rút vốn thông qua cách này có ưu điểm là cổ đông có thể rút hết toàn bộ vốn ra khỏi công ty. Nhược điểm là cổ đông phải chứng minh được việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ công ty gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình.

Thứ hai Công ty mua lại cổ phần theo quy định của công ty

Cổ phần của cổ đông có thể được mua lại bởi công ty khi có quyết định của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên công ty sẽ chỉ được mua lại không quá 30% tổng số cổ phần của cổ đông.

2. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần

Theo quy định thì cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần và chỉ được cổ phần cho cổ đông khác trong cùng công ty. Nếu muốn chuyển nhượng cho người khác thì phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông.

Cổ đông sẽ không được chuyển nhượng cổ phần khi thuộc trường hạn chế chuyển nhượng. Căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần bao gồm:

– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

(Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020)

– Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. 

Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

– Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký.

– Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề cổ đông có được rút vốn ra khỏi công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 27/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *