I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật Doanh nghiệp 2020
II. CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN
1. Công ty cổ phần là gì?
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Các thành viên trong công ty cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Mỗi cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần trong công ty. Số lượng cổ đông ít nhất là 3 người trở lên. Không giới hạn số lượng cổ đông tối đa.
Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập công ty cổ phần là số cổ phần đã được đăng ký mua. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
Mô hình thứ nhất:
- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc (Tổng giám đốc).
Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần thì không bắt buộc có ban kiểm soát. Các phòng, ban, bộ phận chuyên trách khác dưới Giám đốc (Tổng giám đốc) tuỳ vào hoạt động và tổ chức của từng công ty.
Mô hình thứ hai:
- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc).
Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Uỷ ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Các phòng, ban, bộ phận chuyên trách khác dưới Giám đốc (Tổng giám đốc) tuỳ vào hoạt động và tổ chức của từng công ty.
Công ty cổ phần tổ chức theo mô hình không có Ban kiểm soát thì thành viên độc lập hội đồng quản trị này sẽ hoạt động tương tự như ban kiểm soát. Thành viên độc lập hội đồng quản trị thực hiện việc giám sát và tổ chức thực hiện việc kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. Cụ thể như, giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính…
2.1. Đại Hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết. Quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông dựa trên cơ sở biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến của các cổ đông có quyền biểu quyết bằng văn bản.
Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Đại hội đồng cổ đông cũng có thể họp bất thường. Về địa điểm họp thì phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định tài Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại HĐCĐ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Thông qua định hướng phát triển của công ty
- Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, Kiểm soát viên
- Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác
- Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm
- Quyết định mua lại >10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại
- Xem xét và xử lý các vi phạm của HĐQT, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty
- Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty
- Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho HĐQT, Ban kiểm soát
- Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động HĐQT, Ban kiểm soát;
- Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo điều lệ công ty và pháp luật liên quan
2.2. Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị của công ty cổ phần được coi là cơ quan có vai trò quản lý hoạt động của công ty, Hội đồng quản trị có toàn quyền nhân danh công ty trong việc quyết định và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Đại Hội đồng cổ đông.
Số lượng thành viên Hội đồng quản trị; từ 3 đến 11 thành viên, số lượng thành viên Hội đồng quản trị được quy định cụ thể trong điều lệ công ty.
Về quyền và nghĩa vụ thì Luật Doanh nghiệp 2020 cũng đã quy định rất rõ tại khoản 2 Điều 153:
- Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
- Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
- Quyết định bán cổ phần chưa bán trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;
- Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty;
- Quyết định mua lại cổ phần ;
- Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;
- Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
- Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;
- Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;
- Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết
- Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;
- Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh
- Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể công ty; yêu cầu phá sản công ty;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”
2.3. Ban kiểm soát
Ban kiểm soát là cơ quan độc lập trong công ty, có chức năng kiểm tra, giám sát tính chính xác, trung thực trong việc quản lý, điều hành hoạt động, ghi chép lại sổ sách, các hoạt động kế toán, báo cáo tài chính và việc chấp hành điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị và chủ tịch Hội đồng quản trị. Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước Đại họi đồng cổ đông trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao
Về số lượng thành viên của Ban kiểm soát thì sẽ tối thiểu là 01 Kiểm soát viên và không quá 05 Kiểm soát viên . Nhiệm kì của Kiểm soát viên không quá năm và có thể được bổ nhiệm với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát thì Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể, chi tiết:
- Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
- Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông
- Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.
- Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và tài liệu khác của công ty, công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty
- Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
- Thông báo ngay bằng văn bản cho Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
- Tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.
- Sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ công ty và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
2.4. Giám đốc, Tổng giám đốc
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao
Giám đốc, Tổng giám đốc của công ty cổ phần do Hội đồng quản trị bổ nhiệm 1 thành viên trong Hội đồng quản trị hoặc có thể được thuê
Trên đây là một số quy định của pháp luật về Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần. Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (Văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, Đường Nguyễn Hoàng Tôn, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 02462933222/ 0976366217
Chuyên viên: Liễu