BẢN CHẤT, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA TIỀN LƯƠNG

Qua các thời kỳ khác nhau thì tiền lương cũng được hiểu theo những cách khác nhau. Trước đây trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tiền lương là một phần của thu nhập quốc dân, được Nhà nước phân phối một cách có kế hoạch cho người lao động theo số lượng và chất lượng lao động. Trong nền kinh tế thị trường bản chất của tiền lương đã thay đổi. Vậy bản chất, vai trò và chức năng hiện nay của tiền lương như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

Bộ luật Lao động năm 2019

1. Bản chất của tiền lương

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”

Tiền lương danh nghĩa là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động do cung ứng dịch vụ lao động theo mức ghi trong hợp đồng hoặc quy định trong thang lương, bảng lương hay bất kì một mức nào do các bên thoả thuận không trái luật.

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung ở nước ta, với quan điểm sức lao động không phải hàng hóa, Nhà nước ta coi tiền lương là bộ phận cấu thành thu nhập quốc dân và phân phối theo kế hoạch trực tiếp cho công nhân, viên chức của mình, Với quan niệm này thì tiền lương chỉ thuộc phạm trù phân phối.

Pháp luật hiện hành của nước ta đã điều chỉnh tiền lương phù hợp với hướng này. Thay vì cách ấn định chi tiết mức lương cho từng chức danh, công việc, Nhà nước đã xác định thỏa thuận là nguyên tắc xuyên suốt của toàn bộ chế định tiền lương. Như vậy, hiện nay tiền lương không chỉ thuộc phạm trù phân phối mà còn thuộc phạm trù giá trị, phạm trù trao đổi.

Tiền lương thay đổi xoay quanh trục giá trị sức lao động. Điều đó cho thấy những chi phí cần thiết để duy trì cuộc sống của con người và đào tạo người đó trở thành người lao động … với tư cách là giá trị của sức lao động sẽ có vai trò quyết định đối với tiền lương. Chính điều này giải thích sự phong phú và đa dạng của các mức lương trả cho những người lao động làm công việc, nghề nghiệp khác nhau, với những trình độ chuyên môn khác nhau.

2. Chức năng của tiền lương

Tiền lương là một nhân tố hết sức quan trọng của quá trình quản lý nói chung và quản lý lao động tiền lương nói riêng. Dưới đây là một số chức năng của tiền lương cơ bản:

2.1 Tái sản xuất sức lao động

Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động cần được tái tạo, với các hình thái kinh tế xã hội khác nhau sẽ có sự tái sản xuất sức lao động khác nhau. Quá trình này thể hiện rõ ở sự tiến bộ của xã hội và sự tác động của khoa học- công nghệ. Quy trình tái sản xuất sức lao động được thể hiện qua việc trả công cho người lao động bằng tiền lương. Như vậy, bản chất của tái sản xuất sức lao động là nhằm đảo bảo cho người lao động có một số tiền lương nhất định dùng cho sinh hoạt để họ có thể duy trì và phát triển sức lao động của mình, sản xuất ra sức lao động mới, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ để hoàn thành kỹ năng lao động và tăng cường chất lượng lao động.

2.2 Là thước đo giá trị

Khi tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động tương ứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra trong quá trình thực hiện công việc ta có thể xác định được hao phí lao động của toàn thể cộng đồng thông qua tổng quỹ lương cho toàn thể người lao động. 

2.3 Kích thích lao động 

Chức năng của tiền lương này nhằm duy trì năng lực làm việc lâu dài có hiệu quả. Dựa trên cơ sở tiền lương phải đảm bảo bù đắp sức lao động đã hao phí, nhằm khuyến khích tăng năng suất, tạo niềm hứng khởi trong công việc, phát huy tinh thần sáng tạo tự học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Để từ đó giúp họ làm việc với hiệu quả cao nhất và mức lương nhận được thỏa đáng nhất.

2.4 Giám sát lao động

Tiền lương có chức năng giúp nhà quản trị tiến hành kiểm tra theo dõi, giám sát người lao động làm việc theo kế hoạch của mình. Nhằm đạt được những mục tiêu mong đợi đảm bảo tiền lương chi ra phải đạt được hiệu quả cao không chỉ tính theo tháng, quý mà còn được tính theo hàng ngày, từng giờ trong toàn doanh nghiệp hoặc các bộ phận khác nhau.

2.5 Điều hoà lao động

Ở đây, chức năng của tiền lương là đảm bảo vai trò điều phối lao động hợp lý. Người lao động sẽ từ nơi có tiền lương thấp đến nơi có tiền lương cao hơn. Với một mức lương thỏa đáng họ sẽ hoàn thành tốt công tác công việc được giao

2.6 Tích luỹ

Với mức tiền lương nhận được, người lao động không những duy trì cuộc sống hàng ngày mà còn để dự phòng cho cuộc sống sau này khi họ đã hết khả năng lao động hoặc gặp rủi ro bất ngờ.

2.7 Công cụ quản lý nhà nước

Nhà nước ban hành Luật lao động để bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động để từ đó tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa và ổn định nhằm góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động nhằm đạt mục tiêu của doanh nghiệp về năng suất, chất lượng lao động, tiến bộ xã hội,…

3. Vai trò của tiền lương

Vai trò quan trọng nhất của tiền lương là làm thỏa mãn nhu cầu của người lao động bởi người lao động đi làm cốt là để nhận được một khoản thù lao để tạo ra thu nhập và sử dụng nó để trang trải cuộc sống. Đồng thời, đối với doanh nghiệp tiền lương là khoản chi phí mà doanh nghiệp cần phải chi trả cho người lao động vì họ đã góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tiền lương được coi như là cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Trong công việc trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp cần tính toán một cách hợp lý để đôi bên đều có lợi. Bởi nếu như tiền lương trả cho người lao động không hợp lý sẽ làm cho họ không có động lực làm việc, không đảm bảo được kỷ luật lao động, ngày công cũng như chất lượng lao động, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. 

Đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu để họ đảm bảo cho cuộc sống. Bên cạnh tiền lương, một số khoản thu nhập khác mà người lao động được nhận bao có thể kể đến như: Trợ cấp BHXH, tiền tăng ca, tiền thưởng KPI…

Trong doanh nghiệp, chi phí tiền lương là một bộ phận quan trọng hình thành nên giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Việc tổ chức sử dụng lao động hợp lý, thanh toán tiền lương và các khoản liên quan đúng hạn cho người lao động là một động lực quan trọng để người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động, hăng say làm việc từ đó nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bản chất, vai trò và chức năng của tiền lương. Mọi thắc mắc quý độc giả vui lòng liên hệ về: 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 6/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *