Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi: Thai nhi đang trong bụng mẹ có được hưởng di sản thừa kế.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
2. Quyền thừa kế là gì?
Quyền thừa kế được quy định như sau:
– Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Từ quy định trên có thể hiểu, Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản.
3. Người thừa kế là ai?
Căn cứ theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
“Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Theo đó, người thừa kế theo quy định của pháp luật là người đang sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
4. Thai nhi đang trong bụng mẹ có được hưởng di sản thừa kế?
Theo quy định, Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo như quy định trên, thì thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết thì vẫn được hưởng di sản thừa kế như những người thừa kế cùng hàng thừa kế khác.
Khi phân chia di sản thừa kế thì thai nhi đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì sẽ được để lại một phần di sản bằng với phần di sản mà những người thừa kế khác được nhận.
Nếu thai nhi đã thành thai đó còn sống sau khi được sinh ra thì sẽ có quyền được hưởng phần di sản thừa kế đó. Còn nếu như thai nhi đã thành thai đó chết trước khi được sinh ra thì phần di sản đó sẽ được chia cho những người thừa kế khác.
5. Một số câu hỏi khác liên quan
Câu 1: Thai nhi trong bụng mẹ có được hưởng thừa kế thế vị không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị: trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Nếu như thai nhi đã thành thai còn sống sau khi sinh thì sẽ được hưởng phần di sản mà người cha được hưởng nếu còn sống theo trường hợp thừa kế thế vị. Còn nếu thai nhi đã thành thai nhưng chết trước khi sinh ra thì phần di sản thừa kế của người cha sẽ được chia cho những người được hưởng thừa kế khác theo quy định.
Như vậy, thai nhi thành thai trong bụng mẹ trước khi người để lại di sản chết và sinh ra sau khi người để lại di sản chết và còn sống tại thời điểm phân chia di sản thì cũng được hưởng thừa kế; và phần di sản của đứa trẻ này cũng bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng. Nhưng khác biệt về độ tuổi so với các chủ thể khác, đối tượng này do chưa thành niên (chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) nên phần di sản thừa kế của đứa trẻ được hưởng sẽ do người giám hộ đương nhiên (hoặc được cử ra) quản lý cho đến khi cháu bé thành niên (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự).
Câu 2: Thai nhi đã thành thai được hưởng di sản thừa kế trong những trường hợp nào?
Thai nhi đã thành thai được hưởng di sản thừa kế trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp người chết có di chúc và di chúc đó hợp pháp: Trong trường hợp di chúc có đề cập về việc hưởng thừa kế của thai nhi thì phải thực hiện theo ý chí của người chết để lại.
Trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật: Thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản mất thì sẽ được hưởng di sản thừa kế giống với những người thừa kế khác theo như Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015.
Trên đây là toàn bộ giải đáp về câu hỏi thai nhi đang trong bụng mẹ có được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: Ngày 07/03/2024