LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển do công cuộc đổi mới cũng như hội nhập quốc tế, giao lưu kinh tế với các nước trên thế giới. Sự phát triển này thể hiện rõ ở các thành phố lớn với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, giúp cho việc phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những biểu hiện tiêu cực do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại mà nổi cộm lên là vấn đề tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều loại tội phạm gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Trong đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xảy ra khá phổ biến trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay.

Để hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Công ty Luật TNHH Winlegal xin cung cấp tới quý độc giả những thông tin cơ bản về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cấu thành của tội này như sau:

  1. Khái niệm Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng hoàn trả lại tài sản hoặc dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

          Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định lần đầu tiên tại Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, đây là tội được nhập từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 135 và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 158 BLHS năm 1985. So với quy định trong BLHS năm 1985 thì Điều 140 BLHS năm 1999 được quy định theo hướng nhẹ hơn, trừ khoản 4 của Điều 140 có mức cao nhất của khung hình phạt nặng hơn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân. Kế thừa từ BLHS năm 1999, nhà làm luật đã xây dựng Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2010 với những điểm mới và quy định khá chặt chẽ, cụ thể như sau:

“Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

            2. Đặc điểm của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Thứ nhất, người phạm tội nhận được tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng tài sản hợp pháp thông qua một giao dịch hợp pháp, ngay thẳng, như vay, mượn, thuê tài sản hoặc các hình thức giao dịch khác.

          Thứ hai, sau khi nhận được tài sản thì người phạm tội mới nảy sinh ra ý thức chiếm đoạt tài sản, nên đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện trả, có khả năng trả nhưng cố tình không trả; hoặc tuy không có ý thức chiếm đoạt nhưng đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại cho chủ sở hữu. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

          3. Cấu thành tội phạm của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          3.1. Chủ thể của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Tội phạm được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi của con người. Do đó, chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chủ thể thực hiện tội phạm được xác định là chủ thể thường, có đủ hai dấu hiệu: Có nănng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể trở thành chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

          Đây là một trong các điểm mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999, bộ luật mới đã có sự tách bạch rõ ràng hơn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

          3.2. Khách thể của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội này không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản. Đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khảo là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác.

          3.3. Mặt chủ quan của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội, bao gồm: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

          Thứ nhất, dấu hiệu lỗi: Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản luôn thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

          Thứ hai, dấu hiệu mục đích, động cơ phạm tội:

          Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích của người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng mục đích chỉ xuất hiện sau khi người phạm tội nhận được tài sản bằng các hợp đồng hợp pháp.

          Động cơ phạm tội được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội này có thể có nhiều động cơ khác nhau như: thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của bản thân, do tham lam,…

          3.4. Mặt khách quan của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

          Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thể hiện bằng những dấu hiệu sau đây:

          Một là, việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội được thực hiện bởi một hợp đồng hợp pháp như: vay, mượn, mua bán, sửa chữa, vận chuyển, gia công, thuê tài sản, …

          Hai là, sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý, được thể hiện bằng những hành vi như: lập hiện trường của một vụ cháy giả, một vụ trộm cắp giả … nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, qua đó chiếm đoạt tài sản của họ.

          Ba là, người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối để có được tài sản mà sau khi nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữ hoặc người quản lý tài sản thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

          Bốn là, người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại sử dụng tài sản nhận được từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách bất hợp pháp vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

          Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Theo khoản 1 Điều 175 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo các điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm hoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm với cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

          Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản mà chúng tôi cung cấp tới Quý độc giả liên quan tới chủ đề “Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp ích được cho các bạn.

Mọi thông tin tư vấn hỗ trợ về dịch vụ vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *