Mục lục
I. Kỷ luật lao động là gì?
Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Theo đó kỷ luật lao động là quy định của người sử dụng lao động ban hành nhằm yêu cầu người lao động phải tuân thủ theo thời gian, công nghệ và việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người lao động vi phạm những quy định trong nội quy lao động gây tổn thất và thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ bị kỷ luật lao động. Mức độ kỷ luật lao động sẽ phụ thuộc vào từng vi phạm mà người lao động phạm phải và hậu quả của vi phạm đó gây ra.
II. Các hình thức kỷ luật lao động
Căn cứ theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
Như vậy, theo quy định hiện nay, khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động thì người sử dụng lao động được áp dụng 04 hình thức kỷ luật đó là: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức, sa thải. Căn cứ vào hành vi vi phạm và mức độ vi phạm của người lao động mà hội đồng kỷ luật sẽ đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật riêng. Các hình thức xử lý kỷ luật sẽ được áp dụng thỏa đáng và theo quy trình của Pháp luật.
III. Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động (Khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP).
Cụ thể thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động có thể là:
– Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp;
– Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân;
– Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện;
– Cá nhân có sử dụng lao động;
– Người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.
IV. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
Mọi người lao động đều có nghĩa vụ phải chấp hành nội quy lao động. Người nào không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc sẽ bị xử lý kỷ luật.
Về cơ bản, nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động theo BLLĐ năm 2019 vẫn được thực hiện giống với BLLĐ năm 2012 :
– Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
– Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
– Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
– Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Việc xử lý kỷ luật đối với người chưa thành niên đã được BLLĐ 2019 điều chỉnh. Theo đó, thay vì phải có mặt cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật khi xử lý kỷ luật thì người dưới 15 tuổi chỉ cần sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.
Bên cạnh đó, BLLĐ năm 2019 cũng quy định về việc không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
V. Trình tự xử lý kỷ luật lao động
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể trình tự xử lý kỷ luật lao động được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập biên bản vi phạm
Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động phải tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động.
Bước 2: Thông báo đến tổ chức đại diện, người đại diện của người lao động
Sau khi lập biên bản, người sử dụng lao động thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.
Bước 3: Thu thập chứng cứ chứng minh lỗi
Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện việc thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
Nếu vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.
Bước 4: Thông báo thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động
Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
– Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo các thông tin về cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp, bao gồm:
+ Nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động;
+ Họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động;
+ Hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động;
+ Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp 1 trong các thành phần tham dự không thể tham dự cuộc họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì khi đó người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về việc thay đổi về thời gian, địa điểm họp; trường hợp 2 bên không thể thỏa thuận được thì người sử dụng lao động sẽ quyết định về thời gian, địa điểm họp;
Bước 5: Họp xử lý kỷ luật lao động
Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Lưu ý: Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp. Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký vào nội dung biên bản.
Bước 6: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động
Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, 2 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự được quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019.
Trên đây là những chia sẻ về quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật lao động. Nếu quý bạn đọc muốn tìm hiểu thêm các thông tin liên hệ theo hotline 0246.29.222/0976.718.066. Tại Công Ty Luật TNHH Winlegal có đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên Viên : Thu Luyến
Ngày xuất bản: 09/12/2023