Khái niệm cơ bản trong thang bảng lương doanh nghiệp

Hệ số thang bảng lương đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý quỹ lương của doanh nghiệp cũng như tạo động lực cho toàn thể cán bộ công nhân viên tích lũy và phấn đấu để có thể nâng cấp bậc lương. Quy định về thang bảng lương của công ty, doanh nghiệp dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn đọc muốn tìm hiểu kĩ về vấn đề này.

CƠ SỞ PHÁP LÝ: Bộ luật Lao động năm 2019

I. Những quy định chung

Thang bảng lương là một hệ thống xây dựng từ ngạch lương, nhóm lương, bậc lương để làm cơ sở trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp trả lương cho người lao động thông qua thang bảng lương đã xây dựng trước đó và mức độ, năng lực, khả năng hoàn thành công việc của người lao động.

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi

Quy định các nội dung, nguyên tắc quản lý thang bảng lương và tiền thưởng từ quỹ tiền lương; thống nhất việc sử dụng, trả tiền lương, tiền thưởng từ quỹ lương của doanh nghiệp phù hợp với quy định của Pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

1.2. Đối tượng

Áp dụng trong việc phân phối tiền lương; cho Ban Giám đốc và toàn thể người lao động đã ký hợp đồng lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Ngoài ra phạm vi áp dụng có thể bao gồm các Đơn vị thành viên trong cùng hệ thống công ty.

2. Những quy định chung

2.1 Khái niệm cơ bản

Cần nắm rõ các khái niệm cơ bản trong các quy định chung:

  • Thu nhập: Bao gồm tất cả các khoản tiền hay hiện vật mà người lao động nhận được nhờ đóng góp công sức lao động của mình vào các hoạt động xây dựng phát triển doanh nghiệp, theo kết quả, số lượng, chất lượng hay hiệu quả công việc mang lại. Thu nhập có thể được chi trả bằng tiền hoặc hiện vật bao gồm: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp và phúc lợi của công ty.
  • Lương cơ bản: Mức tiền lương ghi trong quyết định bổ nhiệm hoặc trong hợp đồng lao động. Tiền lương cơ bản được coi là cơ sở tính các chế độ BHXH, BHYT, tính lương ngừng việc, nghỉ chế độ có hưởng lương, hay chế độ nghỉ phép và các khoản phụ cấp, trợ cấp có liên quan đến người lao động khác. Lương cơ bản được tính bằng hệ số lương cơ bản nhân với mức lương cơ bản theo quy định của công ty và đảm bảo không thấp hơn mức tối thiểu do nhà nước quy định theo cũng như áp dụng được thống nhất trong toàn công ty. 
  • Phụ cấp chức vụ/ trách nhiệm: là khoản thu nhập bổ sung thường xuyên đối với bộ phận lãnh đạo của công ty từ phó trưởng phòng nghiệp vụ chuyên môn trở lên hoặc người có trách nhiệm đặc biệt như vị trí thủ quỹ tiền mặt được xác định là không trái với quy định của Pháp luật lao động. Phụ cấp chức vụ/ trách nhiệm phải được ghi rõ trong hợp đồng lao động và làm cơ sở lập và tính các chế độ BHXH, BHYT, tính tiền lương ngừng việc, nghỉ chế độ có hưởng tiền lương, chế độ nghỉ phép. 
  • Trợ cấp: Là khoản tiền hỗ trợ thêm của doanh nghiệp dành cho người lao động được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt phụ thuộc theo điều kiện sản xuất kinh doanh của công ty. Các khoản trợ cấp có thể thường xuyên hoặc không thường xuyên. 
  • Bảng thang bậc lương: là hệ thống các mức tiền lương trong doanh nghiệp bao gồm: Thang bảng lương cơ bản (lương theo bậc); Thang bảng lương; Sản phẩm (lương theo ngạch chức danh đảm nhiệm); Thang bảng lương phụ cấp chức vụ hoặc trách nhiệm/trợ cấp 
  • Khối sản xuất: Bao gồm các lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất
  • Khối nghiệp vụ, quản trị: Gồm các cán bộ quản lý như hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc, phó giám đốc, Kế toán trưởng, và cán bộ công nhân viên thuộc biên chế tại bộ máy giúp việc ban lãnh đạo công ty (các phòng Kinh doanh, Kế toán, XNK & Đầu tư, Kỹ thuật, Hành Chính – Nhân sự)
  • Khối bổ trợ gián tiếp: Bao gồm các cán bộ, nhân viên làm việc tại các bộ phận Bảo vệ, tạp vụ, nhà bếp. 
  • Hệ số hoàn thành công việc: Hệ số quy định mức độ hoàn thành công việc của từng cán bộ công nhân viên trong các khối đã quy định bên trên. 

2.2 Các quy định chung: 

  • Hệ số lương cơ bản và phụ cấp chức vụ/ trách nhiệm được xây dựng phù hợp theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật lao động năm 2019 , được phép điều chỉnh phù hợp với điều kiện và tính chất công việc của doanh nghiệp hay mức xếp hạng doanh nghiệp của công ty. 
  • Mức lương cơ bản có thể thay đổi hàng năm
  • Danh mục địa bàn vùng là quy định của pháp luật Nhà nước về các vùng nơi doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh.
  • Mỗi vị trí công việc/ chức danh đảm nhiệm đều được xác định rõ về cấp bậc vị trí công việc và trong thang, bảng tiền lương. Cán bộ công nhân viên làm công việc nào thì sẽ được trả tiền lương theo bậc vị trí công việc và hệ số hoàn thành công việc đó. 

3. Nguyên tắc phân phối và sử dụng quỹ tiền lương

Tiền lương phải được trả trực tiếp, đầy đủ, chính xác về số lượng, chất lượng và tiến độ thực tế hoàn thành công việc của mỗi lao động, cán bộ.

Phân phối tiền lương cho CBCNV theo nguyên tắc: áp dụng hình thức trả tiền lương phù hợp với tính chất công việc của lao động, trình độ chuyên môn của họ và mức độ hoàn thành công việc phù hợp với quy định pháp luật lao động và quy định của công ty. 

Lực lượng lao động thực hiện công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, đóng góp lớn vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì được trả tiền lương cao và ngược lại.

Quỹ tiền lương chỉ được dùng để trả tiền lương cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, không được sử dụng quỹ tiền lương vào mục đích khác. 

Trên đây là những khái niệm cơ bản trong thang bảng lương mà người lao động cần biết theo quy định pháp luật. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ về: 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 30/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *