Hình thức xử lý kỷ luật lao động

Trong thực tế, để duy trì nề nếp, nâng cao hiệu quả lao động môi trường làm việc người sử dụng lao động thường áp dụng các hình thức xử phạt kỷ luật lao động đối với người lao động có các hành vi vi phạm nội quy, quy tắc lao động tùy theo mức độ vi phạm. Có những hình thức xử lý kỷ luật lao động nào? Trong phạm vi bài viết dưới đây, WINLEGAL sẽ cung cấp thông tin cho bạn.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

–         Bộ luật lao động năm 2019

–         Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện và quan hệ lao động.

I. Kỷ luật lao động là gì?

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Kỷ luật lao động là một loạt các biện pháp mà người sử dụng lao động có thể áp dụng nhằm nhắc nhở, cảnh cáo, trừng phạt người lao động khi người lao động có hành vi vi phạm nội quy, quy tắc lao động, tùy theo mức độ vi phạm.

II. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động

Căn cứ theo Điều 124 Bộ Luật lao động năm 2019 thì có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động, gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức; sa thải. Các hình thức xử lý kỷ luật với tính chất, mức độ khác nhau và áp dụng với những hành vi vi phạm khác nhau mà không được phép áp dụng một cách tùy tiện.

1. Khiển trách

Khiển trách là hình thức xử lý kỷ luật lao động nhẹ nhất, được áp dụng để nhắc nhở người lao động có hành vi vi phạm lần đầu với mức độ ít nghiêm trọng. Khiển trách được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm tiếp theo có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện tại pháp luật lao động cũng chưa quy định trường hợp nào sử dụng hình thức xử lý khiển trách. Chỉ mới quy định về khiển trách đối với người giúp việc gia đình và khiển trách với cán bộ, công chức, viên chức, còn với các đối tượng người lao động khác thì chưa có quy định trường hợp áp dụng cụ thể.

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và tránh xảy ra sai sót khi áp dụng xử lý kỷ luật thì các bên nên thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng và trong nội quy của doanh nghiệp.

Người lao động bị xử lý kỷ luật khiển trách sau 03 tháng kể từ ngày bị xử lý, không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

Hình thức xử lý kỷ luật này được áp dụng đối với trường hợp người lao động có hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn so với các trường hợp khiển trách.

Nhưng khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật này cũng không được phép quá 06 tháng. Người lao động bị xử lý kỷ luật theo hình thức này nếu sau 06 tháng kể từ ngày bị xử lý kỷ luật mà không tái phạm kỷ luật lao động thì được xóa kỷ luật, tuy nhiên nếu trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo hình thức kéo dài thời hạn nâng lương và chưa được xóa kỷ luật mà người lao động tiếp tục tái phạm thì có thể là căn cứ để sa thải.

Nếu trong thời gian bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà người lao động đã chấp hàng được một nửa, có sửa chữa tiến bộ thì được người sử dụng lao động xem xét giảm thời hạn.

3. Cách chức 

Cách chức là việc người có thẩm quyền, người sử dụng lao động ra quyết định cho người lao động đang giữ một vị trí nhất định thôi không giữ chức vụ đó nữa do vi phạm nội quy lao động. Cách chức chỉ áp dụng đối với người có chức vụ và không có thời hạn.

Tồn tại sự khác biệt trong hình thức xử lý kỷ luật này giữa Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019. Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định người sử dụng lao động được lựa chọn kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức tức là 2 trong 1 hình thức kỷ luật.

Nhưng sang Bộ luật lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động không được phép lựa chọn mà tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của người lao động, người sử dụng lao động áp dụng hình thức cách chức đối với người lao động có chức vụ, quyền hạn. Việc áp dụng hình thức kỷ luật này như thế thì hoàn toàn do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động.

Nếu sau thời hạn 03 năm kể từ ngày bị cách chức mà người đó không vi phạm kỷ luật lao động thì được xóa kỷ luật, nếu trong thời gian chưa xóa kỷ luật mà người bị cách chức tái phạm thì đây là căn cứ để quyết định sa thải.

4. Sa thải

Trong bốn hình thức xử lý kỷ luật lao động thì sa thải là biện pháp nặng và nghiêm khắc nhất. Chấm dứt quan hệ lao động, chấm dứt nguồn kinh tế của người lao động và đôi khi ảnh hưởng tới tâm lý, nhân cách, uy tín của người lao động. Bởi lẽ đó, trong bốn hình thức, đây là hình thức xử lý kỷ luật được pháp luật quy định chặt chẽ nhất. Căn cứ Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019  hình thức kỷ luật sa thải được áp dụng trong các trường hợp sau:

– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tài phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, ngoài bốn hình thức kỷ luật nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật lao động nào khác đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

Việc lựa chọn hình thức kỷ luật nào để áp dụng đối với hành vi vi phạm nào do người sử dụng lao động quyết định căn cứ tính chất, mức độ lỗi của người vi phạm và phù hợp với nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

Lưu ý, nếu người lao động vi phạm quy định thuộc các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải nhưng người sử dụng lao động quyết định nương tay và xử lý kỷ luật với hình thức nhẹ hơn, nhằm tạo cơ hội để người lao động sửa sai, tiếp tục được làm việc để có thu nhập trang trải cho cuộc sống của người lao động và gia đình họ thì đó là điều đáng khuyến khích và được pháp luật công nhận.

Trên đây là quy định pháp luật về các hình thức kỷ luật lao động.  Mọi thông tin cần tư vấn vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 28/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *