Chứng thực là biện pháp mà nhà nước thực hiện nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia các giao dịch có sử dụng các bản sao y bản chính và đảm bảo an toàn cho quản lý nhà nước. Vậy chứng thực bản sao từ bản chính là gì? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Mục lục
1. CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH LÀ GÌ?
- Khoản 5 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản chính là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
- Khoản 6 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc”.
- Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính”.
Như vậy, chứng thực bản sao từ bản chính là hoạt động được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện khi cá nhân, tổ chức có bản chính sao thành bản sao rồi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác minh bản sao đó giống với bản chính.
2. THẨM QUYỀN THỰC HIỆN CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH
Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chủ thể có thẩm quyền thực hiện hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính gồm: UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã); công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là phòng Tư pháp); cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện).
3. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH
- Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực. Người yêu cầu chứng thực không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản thuộc các trường hợp tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp.
- Người thực hiện chứng thực có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của bản chính. Nếu phát hiện bản chính có dấu hiệu giả mạo thì đề nghị người yêu cầu chứng thực chứng minh, nếu không chứng minh được thì từ chối chứng thực. Người thực hiện chứng thực thực hiện đối chiếu bản sao với bản chính, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính thì tiến hành chứng thực.
4. CÁC BẢN CHÍNH GIẤY TỜ, VĂN BẢN KHÔNG ĐƯỢC DÙNG LÀM CƠ SỞ ĐỂ CHỨNG THỰC BẢN SAO
Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định các bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao như sau:
- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ;
- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;
- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;
- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;
- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định trừ trường hợp các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính;
- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thời hạn của bản sao mà chỉ quy định về giá trị pháp lý của giấy tờ bản sao đó. Thực tiễn phụ thuộc vào từng loại giấy tờ thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bản sao chỉ được công chứng trong vòng 6 tháng, bởi lẽ những giấy tờ đó có thể có sự thay đổi về thời hạn như: Giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe ô tô, chứng chỉ tiếng anh quốc tế, căn cước công dân……
Trên đây là những thông tin chi tiết quy định của pháp luật về chứng thực bản sao từ bản chính, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Qúy khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 01/10/2023