Hội đồng lương quốc gia được thành lập nhằm ghi nhận tiếng nói của người lao động và sử dụng lao động trong xác định lương tối thiểu và chính sách tiền lương với người lao động. Sự thành lập của Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam đã đánh dấu một bước chuyển từ cơ chế xác định lương tối thiểu hoàn toàn do Chính phủ dẫn dắt sang một thể chế ba bên ghi nhận tầm quan trọng của sự tham gia của người lao động và sử dụng lao động. Vậy Hội đồng tiền lương quốc gia hoạt động như thế nào? WINLEGAL sẽ trình bày với bạn trong bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Bộ luật Lao động năm 2019
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
Mục lục
I. Hội đồng tiền lương quốc gia là gì?
Theo Khoản 1, Điều 92, Bộ Luật lao động năm 2019 quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia, theo đó:
“Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động.”
Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập.
II. Chức năng, nhiệm vụ của hội đồng tiền lương quốc gia
1. Chức năng của Hội đồng tiền lương quốc gia
Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia như sau:
Hội đồng tiền lương quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Lao động năm 2019 để thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về:
- Mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).
- Chính sách tiền lương áp dụng đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia
– Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.
– Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 91 của Bộ luật Lao động năm 2019.
– Rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.
– Hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).
– Tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.
III. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia
1. Số lượng thành viên
Hội đồng tiền lương quốc gia có 17 thành viên, bao gồm: 05 thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 05 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương; 02 thành viên là chuyên gia độc lập (sau đây gọi là thành viên độc lập). Trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia là 01 Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- 03 Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, gồm: 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
Các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia còn lại, gồm:
- 04 thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- 04 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- 03 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (gồm 01 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 02 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động)
- 02 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế – xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).
2. Nhiệm kỳ của các thành viên
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác của Hội đồng tiền lương quốc gia. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm kỳ bổ nhiệm thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia không quá 05 năm.
Hội đồng tiền lương quốc gia có Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực để giúp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng xây dựng các báo cáo kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng và thực hiện công tác hành chính của Hội đồng. Thành viên Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực là người của các cơ quan tham gia thành viên Hội đồng, các cơ quan, tổ chức có liên quan, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
IV. Hoạt động và quy chế làm việc của Hội đồng tiền lương quốc gia
1. Hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia
Hội đồng tiền lương quốc gia hoạt động tập thể thông qua các phiên họp dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng; thảo luận dân chủ, công khai; quyết định dựa trên biểu quyết theo đa số.
Hội đồng tiền lương quốc gia có con dấu riêng và được quản lý tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
2. Quy chế làm việc của Hội đồng tiền lương quốc gia
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia qui định qui chế làm việc của Hội đồng tiền lương quốc gia, bộ phận kỹ thuật và bộ phận thường trực.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia được mời các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học để tham vấn ý kiến hoặc tham gia các cuộc họp của Hội đồng. (Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
V. Trách nhiệm thực hiện về thành lập và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia
Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu; rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ; hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).
Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Hội đồng tiền lương quốc gia. Quý độc giả có nhu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly
Ngày xuất bản: 09/10/2023