Xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết

Quy định về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

Điều 160 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

1.Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a)Có tổ chức;

b)Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c)Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

  • Khách thể của tội phạm

Hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân của công dân là bằng những hình thức khác nhau làm cho quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết của người dân không được thực hiện 

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân và các quy định pháp luật về bầu cử, ứng cử hay trưng cầu ý dân.

  • Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân, cụ thể:

Lừa gạt là hành vi dùng thủ đoạn gian dối khiến người khác hiểu lầm về tiêu chuẩn, uy tín, năng lực của các đại biểu nên bầu không đúng với những người mà ban đầu họ nhận thức; giải thích xuyên tạc cách thức ghi trong phiếu khiến cử tri bầu không đúng người mà họ tín nhiệm hay làm cho phiếu của họ không hợp lệ; lợi dụng người khác nhờ bỏ phiếu (người này bị tật nguyền, bị mù, không biết chữ…) mà ghi sai ý kiến của họ.

Mua chuộc là dung tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để lôi kéo người khác theo ý mình làm chấp hành làm cho người khác không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết của họ. Không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân là trường hợp người đi bầu cử phải bỏ phiếu cho người theo yêu cầu của người phạm tội hoặc người trong danh sách bầu cử bị mua chuộc để rút khỏi danh sách bầu cử,…

Cưỡng ép là hành vi dùng quyền lực hăm doạ, dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ép buộc người khác không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết của họ. 

Thủ đoạn khác là những thủ đoạn không phải là lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép. Nhà làm luật quy định như vậy là có ý dự phòng những trường hợp không phải là lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép mà vẫn cản trở quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết của công dân thì vẫn là hành vi cấu thành tội phạm này. 

Hậu quả của tội phạm này là những thiệt hại về quyền của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, mà cụ thể là quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân bị xâm phạm.

Nếu người phạm tội do thực hiện những thủ đoạn như lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép hoặc thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân mà còn gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự hoặc về tài sản thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng với hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. 

Tội phạm hoàn thành khi có một trong các hành vi miêu tả trong mặt khách quan xảy ra.

  • Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân của công dân cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

Người phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự.

  • Mặt chủ quan của tội phạm

Tội xâm phạm được thực hiện do lỗi cố, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Nếu do không am hiểu pháp luật, không nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật mà vô tình tiếp tay cho người phạm tội, thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân. 

Người phạm tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của người khác với nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn cản trở được người khác thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của họ.

Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *