Cầm giữ tài sản là một biện pháp có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ. Vậy ưu, nhược điểm của biện pháp này theo pháp luật hiện hành như thế nào? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Mục lục
1. CẦM GIỮ TÀI SẢN LÀ GÌ?
- Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
- Theo đó, việc cầm giữ tài sản được áp dụng đối với hợp đồng song vụ mà tài sản (bất động sản hoặc động sản) là đối tượng của hợp đồng song vụ đang cần phải thực hiện, bên cầm giữ đã thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phát sinh từ chính hợp đồng song vụ đó.
- Khi có sự vi phạm hợp đồng, bên cầm giữ có quyền chiếm giữ tài sản hợp pháp. Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm có sự vi phạm nghĩa vụ mà không cần có sự thỏa thuận trước đó.
2. QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP CẦM GIỮ TÀI SẢN
2.1 Về cầm giữ tài sản tại Điều 346 BLDS
- Việc đặt ra những điều kiện cụ thể để áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của bên có quyền. Tính chất bảo đảm nghĩa vụ của biện pháp thể hiện ở chỗ bên có nghĩa vụ buộc phải thực hiện nghĩa vụ.
- Nội dung quy định về “tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ” dễ gây nhầm lẫn khi áp dụng cũng như thu hẹp phạm vi các hợp đồng có thể áp dụng biện pháp trên thực tế. Thực tiễn, những hợp đồng song vụ gồm: Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công…. thì đối tượng hợp đồng là công việc phải thực hiện còn tài sản chỉ là đối tượng của công việc đó hoặc hợp đồng làm gia sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý…. thì đối tượng hợp đồng chỉ thuần túy là công việc.
2.2 Về xác lập cầm giữ tài sản tại Điều 347 BLDS
- Khoản 2 đã đặt ra quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba như một sự ưu tiên dành cho người có quyền trong việc truy đòi và xem xét thứ tự thanh toán theo Điều 308 BLDS.
- Khoản 1 quy định về căn cứ phát sinh cầm giữ tài sản “từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” là chưa phù hợp, gây mất cân bằng về lợi ích giữa hai bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Sự vi phạm nghĩa vụ đó nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên có quyền thì bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự.
2.3 Về quyền, nghĩa vụ của bên cầm giữ tại Điều 348 và Điều 349 BLDS
- So với BLDS 2005, BLDS 2015 đã quy định cho bên cầm giữ có những quyền vượt trội hơn thể hiện ở khoản 1 và khoản 3 bổ sung yếu tố lợi tức nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên cầm giữ.
- Việc đặt ra các nghĩa vụ dưới dạng hành vi phải thực hiện, hành vi không được thực hiện và trách nhiệm dân sự cho bên cầm giữ phụ thuộc vào mức độ vi phạm là cần thiết nhằm hạn chế rủi ro pháp lý.
- Về nghĩa vụ “giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ và bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ” thì bên cầm giữ phải thực hiện giữ gìn, bảo quản tài sản đó như thế nào hay trong thời gian bao lâu…? Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của bên có nghĩa vụ thì bên cầm giữ có phải bồi thường thiệt hại không?
- BLDS 2015 không quy định về thời hạn cầm giữ và chế tài xử lý bên vi phạm. Điều này làm vô hiệu hóa giá trị về quy định của biện pháp cầm giữ tài sản.
2.4 Về chấm dứt cầm giữ tại Điều 350 BLDS
- So với BLDS 2005, BLDS 2015 đã loại bỏ trường hợp “bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ” khỏi căn cứ chấm dứt cầm giữ vì khi xuất hiện sự vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ thì bên cầm giữ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ chứ không dẫn đến chấm dứt cầm giữ .
- Việc liệt kê các trường hợp chấm dứt cầm giữ theo quy định hiện hành thực chất không bao quát được hết thực tiễn. Trường hợp “bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế” là việc chiếm giữ tài sản phải được thực hiện liên tục, liên tiếp. Tuy nhiên, nếu có những tác động xấu dẫn đến quá trình chiếm giữ tài sản bị gián đoạn thì có là nguyên nhân dẫn đến chấm dứt cầm giữ tài sản hay không?
Trên đây là những thông tin chi tiết về biện pháp cầm giữ tài sản WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Qúy khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 10/10/2023