Hợp đồng dịch vụ và những lưu ý khi soạn thảo

Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và sự phổ biến của mạng lưới dịch vụ đến hầu hết các khu vực của đất nước, phục vụ cho nhu cầu ngày càng nhiều của người dân; các loại dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, vai trò của Hợp đồng dịch vụ ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm và chú trọng. Vậy hợp đồng dịch vụ là gì, cần lưu ý những gì khi soạn thảo hợp đồng dịch vụ? Bài viết dưới đây của Winlegal sẽ cung cấp thông tin cho bạn.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Thương mại năm 2005;

II. Hợp đồng dịch vụ

  1. Hợp đồng dịch vụ là gì

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

  1. Hình thức của hợp đồng dịch vụ

Hình thức của hợp đồng dịch vụ được quy định tại Điều 74 Luật Thương mại năm 2005, “Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”

     3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, nên quyền của bên này được đảm bảo bằng nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, các bên đảm đảm các quyền và lợi ích cho nhau. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ quy định từ Điều 515 đến Điều 518 Bộ luật Dân sự năm 2005 cụ thể:

     3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ

Quyền của bên sử dụng dịch vụ

  • Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
  • Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ

  • Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.
  • Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.

      3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

Quyền của bên cung ứng dịch vụ

  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
  • Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
  • Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

  • Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
  • Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
  • Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
  • Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không đảm bảo chất lượng để hoàn thành công việc.
  • Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  • Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

III. Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng dịch vụ

Trong quá trình soạn thảo hợp đồng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ phải thỏa thuận tất cả các nội dung công việc, trách nhiệm liên quan của các bên. Từ đó mới thống nhất trong cách hiểu để thực hiện hiệu quả cam kết trong hợp đồng.

  1. Căn cứ ký kết hợp đồng

Các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền, nhu cầu và khả năng của các bên. Lưu ý sử dụng văn bản còn hiệu lực làm căn cứ điều chỉnh quan hệ hợp đồng.

      2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ

Vấn đề này được quy định tại Điều 520 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể bao gồm:

  • Trường hợp thứ nhất, nếu việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp thứ hai, nếu bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 302 Luật Thương mại năm 2005

      3.Tiếp tục hợp đồng dịch vụ

Theo Điều 521 Bộ luật Dân sự năm 2015 sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành và bồi thường thiệt hại nếu có.

      4. Điều khoản thanh toán dịch vụ  

Điều 519 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thanh toán dịch vụ khi giao kết hợp đồng dịch vụ như sau:

  • Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
  • Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
  • Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thêm vào đó trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán.

Ngoài ra các bên thỏa thuận cũng cần xác định phí dịch vụ, chi phí phát sinh, thuế giá trị gia tăng đối với từng dịch vụ trong hợp đồng. Thực hiện trong trường hợp có nhiều hơn 1 dịch vụ được sử dụng. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

        5. Thời hạn hoàn thành dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ

Bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ. Trường hợp không có thỏa thuận và giữa các bên không có bất kỳ thói quen nào về việc thanh toán thì bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành quá trình cung ứng dịch vụ trong một thời hạn hợp lý trên cơ sở tính đến tất cả các điều kiện và hoàn cảnh mà bên cung ứng dịch vụ biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, bao gồm bất kỳ nhu cầu cụ thể nào của khách hàng có liên quan đến thời gian hoàn thành dịch vụ.

     6. Phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng dịch vụ

      6.1 Các tranh chấp hợp đồng dịch vụ thường gặp

  • Tranh chấp do bên sử dụng dịch vụ chậm hoặc không thanh toán
  • Tranh chấp do bên cung ứng dịch vụ không đảm bảo được dịch vụ giống như đã cam kết
  • Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trái pháp luật
  • Tranh chấp phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng

      6.2 Các phương thức giải quyết tranh chấp

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận hợp pháp của các bên ghi nhận tại hợp đồng. Các bên có thể lựa chọn các phương thức sau: 

  • Thương lượng: Phương án được ưu tiên lựa chọn là thương lượng một cách thiện chí giữa các bên trong hợp đồng mà không cần tiến hành tố tụng.  
  • Hòa giải: Các bên có thể yêu cầu Trung tâm hòa giải thương mại tiến hành hòa giải. Hòa giải thương mại tiến hành dựa trên quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP 
  • Trọng tài thương mại: là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về Trọng tài. 
  • Tòa án: khi phát sinh tranh chấp hợp đồng dịch vụ, tuy nhiên các bên không tự thỏa thuận, hòa giải với nhau được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đó và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trên đây là những lưu ý cần biết khi soạn thảo hợp đồng dịch vụ. Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *