Trình Tự, Thủ Tục Cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Mã Số, Mã Vạch

Trình Tự, Thủ Tục Cấp

Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Mã Số, Mã Vạch

          Để doanh nghiệp quản lý số lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm, hạn chế việc ghi chép bằng sổ tay thì doanh nghiệp nên sử dụng mã số mã vạch để quản lý.

  1. Căn cứ pháp lý:

Thông tư 10/2020/TT-BKHCN quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của chính phủ về sử dụng mã số, mã vạch;

Thông tư 232/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp mã số mã vạch;

Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật đo lường.

  1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Bước 2: Xử lý hồ sơ

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định hồ sơ:

– Hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung;

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đóng các khoản phí theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch.

Bước 3: Trả kết quả

Trả kết quả trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc theo đường bưu điện.

  1. Cách thức thực hiện

– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục mã số, mã vạch, lập 01 bộ hồ sơ tương ứng theo quy định, nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới cơ quan thường trực về mã số, mã vạch.

Trường hợp nộp trực tiếp thì phải có bản chính để đối chiếu.

Trường hợp hồ sơ gửi qua bưu điện phải nộp bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu.

– Người nộp hồ sơ cần nộp lệ phí đăng ký và duy trì Mã số mã vạch năm đầu tiên.

+ Mức phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã doanh nghiệp GS1: 1.000.000 đồng

+ Mức phí duy trì sử dụng mã số, mã vạch hàng năm:

Mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số: 500.000 đồng

Mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số: 800.000 đồng

Mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số: 1.500.000 đồng

Mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số: 2.000.000 đồng

  1. Thành phần hồ sơ

Thành phần hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận bao gồm:

– Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo mẫu quy định;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.

Thành phần hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu quy định;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập đối với trường hợp thay đổi tên, địa chỉ;

– Bản chính Giấy chứng nhận (trừ trường hợp bị mất).

  1. Cơ quan có thẩm quyền

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trên đây là toàn bộ nội dung của bài viết liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch. Mọi vấn đề chưa được rõ ràng quý vị có thể liên hệ tới Luật WinLegal để được giải đáp nhanh chóng nhất. Chân thành cảm ơn quý vị đã tham khảo bài viết trên.

Để Được Tư Vấn Trực Tiếp, Quý Khách Vui Lòng Liên Hệ: 024 6293 3222

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *