TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU

Hồ sơ dự thầu là một yếu tố quan trọng, cần thiết của quy trình đấu thầu. Vậy tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu này cụ thể ra sao? Mời quý độc giả đón đọc trong bài viết dưới đây.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định tại Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP 

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Luật Đấu thầu năm 2013

– Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

I. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa

1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:

  • Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
  • Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
  • Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu cụ thể. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung trên thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

2. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết khi sử dụng phương pháp chấm điểm.

Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu.

Cụ thể bao gồm:

  •  Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ;
  • Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa;
  • Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
  • Khả năng thích ứng về mặt địa lý, môi trường;
  • Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;
  • Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);
  • Các yếu tố về điều kiện thương mại, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ;
  • Tiến độ cung cấp hàng hóa;
  • Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
  • Các yếu tố cần thiết khác.

3. Cách xác định giá thấp nhất

Với trường hợp áp dụng giá thấp nhất, cách xác định như sau:

  • Xác định giá dự thầu;
  • Sửa lỗi;
  • Hiệu chỉnh sai lệch;
  • Trừ giá trị giảm giá (nếu có);
  • Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có);
  • Xác định giá trị ưu đãi (nếu có);
  • So sánh giữa các hồ sơ dự thầu để xác định giá thấp nhất.

4. Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá

Đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá công thức xác định giá đánh giá như sau:

GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ

Trong đó:

G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) – giá trị giảm giá (nếu có)

G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa bao gồm:

  • Chi phí vận hành, bảo dưỡng;
  • Chi phí lãi vay (nếu có);
  • Tiến độ;
  • Chất lượng (hiệu suất, công suất);
  • Xuất xứ;
  • Các yếu tố khác (nếu có).

ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 63/2014/NĐ-CP 

Cần căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và quy định trên này để xác định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) hoặc tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá) cho phù hợp.

Lưu ý: Không sử dụng phương pháp đánh giá kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ.

II. Đối với gói thầu xây lắp 

1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:

  • Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự về quy mô, tính chất kỹ thuật, điều kiện địa lý, địa chất, hiện trường (nếu có); kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;
  • Năng lực kỹ thuật: Số lượng, trình độ cán bộ chuyên môn chủ chốt, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện gói thầu và số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu;
  • Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại Điểm này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung nêu tại Điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

2. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết khi sử dụng phương pháp chấm điểm. 

Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các nội dung về khả năng đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ thiết kế, tiên lượng mời thầu, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu. Căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:

  • Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công phù hợp với đề xuất về tiến độ thi công;

Trừ những trường hợp do tính chất của gói thầu mà hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải thực hiện theo đúng biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu, trong hồ sơ mời thầu cần quy định nhà thầu được đề xuất biện pháp thi công khác với biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu.

  • Tiến độ thi công;
  • Các biện pháp bảo đảm chất lượng;
  • Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động;
  • Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
  • Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
  • Các yếu tố cần thiết khác.

3. Xác định giá thấp nhất 

Với trường hợp áp dụng giá thấp nhất, cách xác định như sau:

  • Xác định giá dự thầu;
  • Sửa lỗi;
  • Hiệu chỉnh sai lệch trừ giá trị giảm giá (nếu có);
  • Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung (nếu có);
  • Xác định giá trị ưu đãi (nếu có);
  • So sánh giữa các hồ sơ dự thầu để xác định giá thấp nhất.

4. Tiêu chuẩn xác định giá đánh giá 

Đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá. Công thức xác định giá đánh giá:

GĐG = G ± ∆g + ∆ƯĐ

Trong đó:

G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) – giá trị giảm giá (nếu có);

∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của công trình bao gồm:

  • Chi phí vận hành, bảo dưỡng;
  • Chi phí lãi vay (nếu có);
  • Tiến độ;
  • Chất lượng;
  • Các yếu tố khác (nếu có).

∆ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 63/2014/NĐ-CP

III. Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn và gói thầu hỗn hợp

Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu để xác định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất) hoặc tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá) cho phù hợp.

IV. Các tiêu chuẩn khác

1. Yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa

Theo khoản 7 Điều 12  Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu:

  • Nêu nhãn hiệu, catalog của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu.
  • Catalog quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế.

2. Quy định về sử dụng lao động

Đối với đấu thầu quốc tế, khi lập hồ sơ mời thầu phải quy định sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được và có khả năng cung cấp, đặc biệt là lao động phổ thông. Chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu. Nhà thầu không tuân thủ quy định về việc sử dụng lao động khi thực hiện hợp đồng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

Đối với những gói thầu cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà thầu đề xuất phương án sử dụng lao động địa phương nơi triển khai thực hiện dự án, gói thầu.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ quy định trên trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng.

Hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về sử dụng lao động quy định sẽ bị loại.

Trên đây là các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu. Mọi thắc mắc quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 19/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *