Thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội không?

Việc đóng bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động nên người lao động đặc biệt quan tâm vấn đề này. Vậy trong thời gian thử việc người lao động có được đóng bảo hiểm xã hội không? Trong phạm vi bài viết này công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Luật thuế thu nhập cá nhân 2007
  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

2.Thử việc là gì?

Thử việc là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định để đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động…. trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức. Từ thời gian thử việc này, bên sử dụng lao động có thể đánh giá được năng lực và hiệu quả công việc, người lao động cũng biết xem mình có phù hợp với công việc, môi trường làm việc và các chế độ khác hay không từ đó đưa ra kết luận có làm việc chính thức hay không.

Pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về vấn đề thử việc bởi Khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

3.Thử việc người lao động có được đóng bảo hiểm

Căn cứ theo quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng áp dụng là: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.”

Tiếp theo, Khoản 2, Điều 24, Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này”.

Tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động

1.Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

         …

         đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

         …

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

       .…”

Có thể thấy nội dung của hợp đồng thử việc không có nội dung về việc đóng BHXH. Vì vậy, người sử dụng lao động không có trách nhiệm phải đóng cho người lao động trong thời gian thử việc. Do đó người lao động trong thời gian thử việc sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội.

4.Lương thử việc có bị tính thuế Thu nhập cá nhân không?

Theo Khoản 2, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Tiếp theo, căn cứ Điểm i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: “Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại Điểm c, d, Khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”.

Vì vậy khi người lao động và người sử dụng lao động có ký hợp đồng thử việc hay đã thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động dưới 3 tháng với mức lương 2 triệu đồng trở lên/lần thì doanh nghiệp được phép khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trước khi trả cho người lao động.

5.Thử việc nghỉ ngang có được nhận lương không?

Trong thời gian thử việc, người lao động sẽ được trả ít nhất 85% lương chính thức. Tuy nhiên Bộ luật Lao động năm 2019 lại không đề cập đến vấn đề quyền lợi của các bên khi tự ý chấm dứt hợp đồng thử việc. Do vậy, việc có trả lương cho người lao động thử việc nghỉ ngang hay không còn phụ thuộc vào các bên.

Trên đây là những giải đáp về một số quy định liên quan đến thử việc và thử việc có phải đóng bảo theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *