Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật của nước ta ghi nhận, đảm bảo thực hiện. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, chỉ có công dân mới có quyền tố cáo. Vậy tại sao Luật Tố cáo không quy định người tố cáo là tổ chức? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Tố cáo năm 2018.
1. TỐ CÁO LÀ GÌ?
- Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
- Bản chất của thực hiện quyền tố cáo là người tố cáo khi thấy hành vi vi phạm pháp luật báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi đó của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Luật Tố cáo giới hạn cụ thể về các hành vi tố cáo được điều chỉnh bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
2. LUẬT TỐ CÁO KHÔNG QUY ĐỊNH NGƯỜI TỐ CÁO LÀ TỔ CHỨC
– Khoản 4 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định: “Người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo”.
– Thứ nhất, tổ chức không nhận thức được người nào có hành vi vi phạm pháp luật.
- Tổ chức là tập hợp một nhóm người đều hướng đến những mục tiêu chung đã được xác định. Việc thực hiện quyền tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật là quá trình nhận thức, đánh giá sự việc thông qua tri giác, suy nghĩ thể hiện ý chí độc lập của mỗi cá nhân thì hoàn toàn khác biệt nên chủ thể tố cáo phải là thể nhân.
- Tổ chức không thể tự mình phát hiện ra sự tồn tại của hành vi vi phạm pháp luật mà phải do thể nhân trong tổ chức đó phát hiện ra.
- Việc xác định tố cáo có thực sự thể hiện ý chí của tổ chức hay chỉ nhóm cá nhân mượn danh nghĩa tổ chức là một công việc không hề đơn giản và mất rất nhiều thời gian.
- Do đó, tổ chức với tư cách của mình đi tố cáo là không phù hợp nhưng cá nhân trong tổ chức đó có thể đi tố cáo.
– Thứ hai, tổ chức có hình thức khác là kiến nghị và phản ánh. Thực tiễn hiện nay tổ chức vẫn thực hiện quyền tố cáo của mình thông qua cơ chế kiến nghị và phản ánh.
– Thứ ba, không có căn cứ để xác định trách nhiệm của tổ chức.
- Việc thực hiện quyền tố cáo của một chủ thể sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, tức là nghĩa vụ đi đôi với quyền hạn.
- Nhà nước khuyến khích tố cáo nhưng có những người lợi dụng tố cáo để vu khống cá nhân, tổ chức khác vì mục đích và động cơ của mình. Tố cáo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích, danh dự của người bị tố cáo và có thể gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần cho chủ thể bị tố cáo. Do đó, pháp luật đề cao trách nhiệm của chủ thể tố cáo và đòi hỏi người tố cáo phải trung thực về nội dung tố cáo của bản thân.
- Nếu tổ chức có quyền tố cáo thì rất khó để quy trách nhiệm cá nhân, nhất là khi xác định trách nhiệm của chủ thể tố cáo trong trường hợp cố tình tố cáo sai sự thật và tố cáo trái pháp luật. Pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức.
Trên đây là thông tin chi tiết về tại sao Luật Tố cáo không quy định người tố cáo là tổ chức, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Bạn có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 09/10/2023