Quyền lợi của lao động nữ khi mang thai

Lao động động nữ đặc biệt là lao động nữ đang mang thai là đối tượng được pháp luật lao động quan tâm và bảo vệ hơn, dành cho họ nhiều quyền lợi hơn. Người lao động nữ đang mang thai cần hiểu rõ các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ các quyền lợi của người lao động nữ đang mang.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019

2.Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa trong thời gian mang thai

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

3.Được quyền chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ đang mang thai được chuyển sang công việc nhẹ hơn khi:

+ Đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai 

+ Có thông báo cho người sử dụng lao động biết 

-> Người sử dụng lao động sẽ được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Người sử dụng lao động cần:

+ Cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao đọng  lựa chọn 

+ Phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (Phụ lục kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH) theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2019.

4.Không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi đang mang thai, nghỉ thai sản

Theo quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động khi đang mang thai, nghỉ thai sản.

5.Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian mang thai

Tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

pregnant business woman in the office

6.Có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai

– Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

– Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

7.Có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi đang mang thai

– Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người lao động nữ có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động: 

+ Nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. 

+Thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

– Thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

– Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. (Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019)

8.Được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con

– Căn cứ khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

– Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

  1. Được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật bảo hiểm xã hội

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. (Khoản 2 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019)

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

– Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(5) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

(6) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

– Người lao động tại trường hợp (2), (3), (4) phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

– Người lao động tại trường hợp (2) đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

– Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

10.Không bị xử lý kỷ luật khi mang thai, nghỉ thai sản

Theo điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do đó, nếu người lao động nữ vi phạm nội quy lao động trong thời gian mang thai thì sẽ không bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, hết thời gian mang thai, nghỉ thai sản thì lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật do thời hiệu xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề quyền lợi của lao động nữ khi mang thai theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *