Quy định về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề

Để nâng cao trình độ của người lao động từ đó đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của công việc, nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động đi đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Luật giáo dục và nghề nghiệp 2014

2.Đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề là gì?

– Đào tạo nghề nghiệp có thể được hiểu là quá trình giảng dạy, đào tạo người lao động những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

– Phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động là quá trình người lao động được đào tạo và tích lũy trong lao động về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quy định, được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của một nghề nào đó.

3.Quy định về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề

3.1. Đối với người lao động

Theo Khoản 1 Điều 59 Bộ luật lao động năm 2019 quy định 

– Người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.

– Người lao động được tự do tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình nhằm đáp ứng các yêu cầu của một số ngành nghề, hoặc nâng cao trình độ để thực hiện các công việc cần trình độ kỹ thuật hoặc trình độ học vấn cao hơn. 

3.2. Đối với người sử dụng lao động

Tại Điều 60 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề, cụ thể:

– Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình. 

– Hàng năm người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

4.Quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

Căn cứ vào Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung này được thực hiện như sau:

Một là, hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Hai là, hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Nghề đào tạo.

– Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo.

– Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo.

– Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.

– Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

– Trách nhiệm của người lao động.

Ba là, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

5.Vi phạm hợp đồng đào tạo nghề

– Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Nếu trường hợp người lao động tự ý bỏ việc, khiến cho các doanh nghiệp không những bị khủng hoảng về nhân sự mà còn bị thiệt hại do mất kinh phí đào tạo. Trong trường hợp này người lao động sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.

– Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:

Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp năm 2014 lại quy định:

“Người tốt nghiệp các khoá đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”

Theo đó, người lao động  có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động nếu không làm việc theo đúng thời gian đã cam kết.

Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

+ Không được trợ cấp thôi việc;

+ Phải bồi thường nửa tháng tiền lương và một khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước;

+ Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo.

Trên đây là những giải đáp về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *