NHỮNG LƯU Ý KHI RÀ SOÁT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Hiện nay hoạt động mua bán hàng hóa được coi là hoạt động thương mại diễn ra phổ biến nhất khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng kéo theo sự xuất hiện hàng loạt những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa. Vậy cần lưu ý những gì khi tiến hành hoạt động rà soát hợp đồng mua bán hàng hóa. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Thương mại năm 2005;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015.

II. NHỮNG LƯU Ý KHI RÀ SOÁT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

  1. Khái niệm
  • Rà soát hợp đồng được hiểu là quá trình xem xét, đánh giá từng nội dung và điều khoản trong hợp đồng để tìm ra những rủi ro pháp lý hoặc các giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên trong hợp đồng.
  • Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
  • Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận”.

Từ đó, có thể hiểu bản chất của Hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng của Hợp đồng mua bán tài sản theo đó: Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu cho bên mua hàng hóa mà pháp luật cho phép chuyển giao, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán cho bên bán một giá trị tương ứng với giá trị của hàng hóa.

2. Những lưu ý cụ thể khi rà soát Hợp đồng:

2.1. Lưu ý về điều khoản chất lượng

  • Đảm bảo các điều khoản chất lượng trong hợp đồng mua bán hàng hóa phải rõ ràng, chính xác và đầy đủ các tiêu chí về chất lượng hàng hóa như: Kiểu dáng, kích thước, chất liệu…
  • Nếu hai bên trong hợp đồng có thỏa thuận khác về chất lượng hàng hóa thì cũng cần nêu rõ trong hợp đồng.
  • Bên mua có thể bổ sung quy định về tiêu chí xác định cơ quan, tổ chức thẩm định khi có tranh chấp về chất lượng hàng hóa nhằm phòng tránh rủi ro cho mình.

2.2. Lưu ý về điều khoản giá cả

  • Đảm bảo hợp đồng mua bán hàng hóa nêu rõ điều khoản giá. Hợp đồng cần ghi rõ tổng giá trị, đã bao gồm Thuế Giá trị gia tăng (VAT) chưa. Giá cả được quy định là cố định trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng hay có sự biến động, nếu thay đổi thì xử lý như thế nào?…

2.3. Lưu ý về điều khoản thanh toán

  • Đảm bảo nêu rõ cách thức và phương thức thanh toán trong hợp đồng.
  • Đảm bảo hợp đồng nêu rõ phương thức xác định giá. Bên mua cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 4 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-NHNN. Tuy nhiên, trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa được ký và thực hiện tại lãnh thổ Việt Nam thì bên mua nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất là Việt Nam đồng.

2.4. Lưu ý về điều khoản phạt vi phạm

  • Bên mua nên quy định điều khoản về phạt vi phạm khi bên bán cung cấp hàng hóa không đúng với chất lượng hoặc giao hàng trễ so với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
  • Mức phạt vi phạm do các bên tự do thoả thuận, trong đó có thể ấn định một số tiền phạt cụ thể hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt linh động theo % giá trị phần hợp đồng vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo Điều 301 Luật Thương mại 2005.
  • Tuy nhiên, đối với Hợp đồng dân sự thông thường, các bên cũng cần lưu ý phải thỏa thuận điều khoản Phạt vi phạm, Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
  • Đối với Hợp đồng thương mại: Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng CẢ chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại 2005 có quy định khác.

2.5. Lưu ý về điều khoản bồi thường thiệt hại

  • Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về mặt vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần có sự thỏa thuận, tự nó sẽ phát sinh khi có đủ các yếu tố bao gồm: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Do đó, trên thực tế, khi các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh khi có đủ các yếu tố trên.

2.6. Lưu ý về điều khoản sự kiện bất khả kháng

  • Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”
  • Bên mua cần xác định rõ các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng để tránh trường hợp bên vi phạm lợi dụng điều khoản về bất khả kháng nhằm thoái thác trách nhiệm, viện dẫn lý do chậm trễ thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên.
  • Thông thường bên chậm trễ thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa do sự kiện bất khả kháng là bên bán. Do đó, bên mua nên quy định về trách nhiệm thông báo và thời hạn thông báo cho bên bán khi gặp sự kiện bất khả kháng.

2.7. Lưu ý về thời hạn thanh toán

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể quy định về thời hạn thanh toán là một lần hoặc nhiều lần phụ thuộc vào tiến độ thực hiện hợp đồng của hai bên. Thời hạn thanh toán trong hợp đồng hợp lý là không quá 30 ngày, kể từ ngày các bên chốt việc giao nhận hàng hóa/đối chiếu công nợ/xuất hóa đơn, tùy theo thỏa thuận của các bên. Thời hạn thanh toán trong hợp đồng với giá trị hàng hóa nhỏ thì nên dưới 15 ngày. Thời hạn thanh toán với trường hợp bên mua là tổ chức nước ngoài thực hiện phương thức thanh toán T/T, L/C, D/P… thì có thể kéo dài hơn.

Trên đây là những thông tin chi tiết về những lưu ý khi tiến hành hoạt động rà soát hợp đồng mua bán hàng hóa, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Qúy khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *