Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về những hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ 2005
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
II. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Theo quy định trên thì có thể hiểu quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Quyền tác giả;
– Quyền liên quan;
– Quyền sở hữu công nghiệp;
– Quyền đối với giống cây trồng
III. Khái niệm quyền tác giả
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Có thể hiểu Quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ việc tạo ra và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, qua đó xác nhận các quyền của tác giả, chủ sở hữu Quyền tác giả, xác định nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, đồng thời quy định trình tự và phương thức bảo hộ các quyền đỏ khi có hành vi xâm phạm.
Quyền tác giả là một trong những quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ.
IV. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2019 quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
– Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
– Mạo danh tác giả.
– Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
– Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
– Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
– Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này. Cụ thể: Trừ trường hợp
+ Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
+ Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi đối với vấn đề sao chép nhằm mục đích nghiên cứu, học tập. Việc chứng minh việc sao chép có đúng là vì mục đích học tập và nghiên cứu hay không còn phức tạp nên cần lưu ý về vấn đề này.
– Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
– Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Cụ thể trừ trường hợp: Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị). Việc quy định như vậy là vì mục đích nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho người bị khiếm thị có nhiều cơ hội được đọc và tìm hiểu các tác phẩm.
– Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
– Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
– Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
– Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
– Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
– Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
V. Xử lý xâm phạm quyền tác giả
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền tác giả mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Về xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị phạt như sau:
– Hành vi vận chuyển hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan: Phạt 03 – 05 triệu đồng
Tịch thu tang vật vi phạm
– Tàng trữ hàng hóa được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan: Phạt 05 – 10 triệu đồng + Tịch thu tang vật vi phạm
– Sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng: phạt 02 – 03 triệu đồng
Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch, buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng
– Tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Phạt 03 – 05 triệu đồng + Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
– Xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Phạt 05 – 10 triệu đồng + Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
– Công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định: Phạt 05 – 10 triệu đồng
Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
– Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: Phạt 05 – 10 triệu đồng + Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
– Biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định:
Phạt 5 – 10 triệu đồng
– Biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định: Phạt 10 – 15 triệu đồng
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm
– Cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định: Phạt 05 – 10 triệu đồng
Phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: 10 – 30 triệu đồng
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
– Nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định: 200 – 250 triệu đồng + Buộc tái xuất tang vật vi phạm
– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định: 10 – 30 triệu đồng Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
– Sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: 15 – 35 triệu đồng + Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu không được phép của của chủ thể quyền tác giả mà cố ý thực hiện hành vi sao chép hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cá nhân, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
VI. Quyền tự bảo vệ quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm?
Khi quyền tác giả bị xâm phạm thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Trên đây là những giải đáp về những hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 31/12/2023