Trong quá trình làm việc khó có thể tránh khỏi việc xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tranh chấp này người lao động thường là bên bị yếu thế hơn so với người sử dụng lao động. Do đó pháp luật quy định những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động để quyền và lợi ích hợp pháp của các bên được đảm bảo.
Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winleagl sẽ làm rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
1.Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019
2.Thế nào là tranh chấp lao động?
Theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động;
Tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
3.Các loại tranh chấp lao động
Theo Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì các loại tranh chấp lao động bao gồm:
– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
– Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Trong đó, tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích được quy định như sau:
– Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
+ Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
+ Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động:Can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
– Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
+ Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
+ Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
4.Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể:
4.1 Nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động
Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng ý chí của các chủ thể trong giải quyết các vấn đề của chính họ trong quan hệ lao động các bên tranh chấp là người hiểu rõ yêu cầu, mục đích và khả năng đảm bảo thực hiện của mình trong giải quyết tranh chấp lao động. Nguyên tắc này cũng đảm bảo cho việc giải quyết hài hoà quyền lợi của các bên, phù hợp với điều kiện của mỗi bên, tiến tới ổn định và duy trì quan hệ lao động, ngăn ngừa những diễn biến cũng như hậu quả xấu của tranh chấp lao động.
Nguyên tắc này cũng giúp cho việc giải quyết tranh chấp lao động được nhanh chóng và đơn giản hoá các thủ tục giải quyết và tăng cường cơ hội duy trì quan hệ lao động sau tranh chấp
4.2 Nguyên tắc coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật
Phương pháp giải quyết tranh chấp đầu tiên được ghi nhận trong các quy định của pháp luật, đó là thương lượng, hòa giải. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém về mặt thời gian, chi phí. So với phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án thì phương thức hoà giải, trọng tài có ưu điểm hơn bởi sau khi giải quyết xong tranh chấp, cơ hội để hai bên tiếp tục duy trì quan hệ, hợp tác với nhau cao hơn. Tuy vậy, trên thực tế, công tác hoà giải chỉ có hiệu quả khi các bên tranh chấp có thiện chí và người hoà giải hiểu biết nội dung mâu thuẫn, mục tiêu của mỗi bên và tôn trọng lợi ích của mỗi bên, lợi ích chung của xã hội
4.3 Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật
Giải quyết tranh chấp công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật là yêu cầu đặt ra đối với giải quyết tranh chấp dân sự nói chung. Cơ sở của nguyên tắc này xuất phát từ mục đích của giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên và giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
4.4 Nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quả trình giải quyết tranh chấp lao động
Sự tham gia của đại diện các bên trong giải quyết ảnh chấp chính là một trong những quyền cơ bản của các bên trong quan hệ lao động và đặc biệt có ý nghĩa đối với người lao động. Hơn nữa, sự tham gia của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động cũng chính là sự cụ thể hoá của cơ chế ba bên trong điều chỉnh quan hệ lao động. Vận dụng cơ chế ba bên trong giải quyết tranh chấp lao động không chỉ đáp ứng yêu cầu khách quan của điều chỉnh quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường mà còn góp phần xây dựng quan hệ lao động bình đẳng, môi trường lao động hài hoà, ổn định.
4.5 Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Trên đây là những giải đáp về vấn đề nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My