Một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn?

Câu hỏi: Thưa luật sư, Chồng tôi bị cơ quan điều tra khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cùng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Tôi muốn hỏi là việc chồng tôi bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn cùng một lúc như vậy là có hợp pháp không? Mong luật sư trả lời.

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Công ty luật Winlegal xin phép được trả lời câu hỏi của chị như sau:

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

II. Thế nào là biện pháp ngăn chặn?

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

-Bản chất: Là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự

– Đối tượng áp dụng: bị can, bị cáo, người truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang).

Mục đích: Ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây cản trở cho công tác điều tra truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

III. Một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn?

Biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cùng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là hai trong số các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.

Hiện nay không có quy định nào của pháp luật đề cập đến vấn đề một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn hay không, và người có thẩm quyền có được thực hiện khi luật không quy định hay chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép?. Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “…cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp…” Có thể thấy Luật không quy định “có thể áp dụng một trong số các biện pháp…” nhưng cũng không quy định “có thể áp dụng các biện pháp…” và hiện nay cũng không có văn bản nào hướng dẫn về việc này.

Như vậy việc một người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào và áp dụng bao nhiêu biện pháp ngăn chặn là tùy thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải phù hợp và cần thiết đối với vụ án. 

Ngoài ra việc áp dụng cùng lúc hai biện pháp này của cơ quan điều tra đối với chồng chị là hợp lý bởi biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của người phạm tội ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam chứ không hạn chế quyền tự do đi lại trong nước. Vì vậy nếu chỉ áp dụng một biện pháp ngăn chặn này đối với người phạm tội thì sẽ có lúc dẫn đến khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do đó cần áp dụng thêm cả biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

IV. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn

– Thời hạn của các biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh được quy định như sau: thời hạn bảo lĩnh/đặt tiền để bảo đảm/cấm đi khỏi nơi cư trú/tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Có thể thấy quy định như vậy dẫn đến một vấn đề là thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự quy định dài hay ngắn tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng vụ án và đặc biệt là luôn có gia hạn thời hạn giải quyết; và trong thực tiễn, việc gia hạn thời hạn giải quyết vụ án cũng thường xuyên xảy ra, do vậy dẫn tới thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này cũng phải kéo dài tương ứng. 

– Thời hạn đối với biện pháp tạm giam: 

+Tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

+Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

  • Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

– Thời hạn áp dụng biện pháp tạm giữ:

+ Không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

+ Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề một người có thể bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn hay không. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 22/12/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *