Bên cạnh các hình thức trả lương theo tháng, theo tuần, theo ngày, giờ thì hình thức trả lương khoán cũng rất phổ biến trong mối quan hệ lao động. Vậy hiểu lương khoán như thế nào cho đúng? Trong nội dung bài viết dưới đây WINLEGAL sẽ cung cấp thông tin cho bạn.
Mục lục
I. Lương khoán là gì?
Lương khoán là một hình thức mà người sử dụng lao động trả lương cho người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, theo điểm c Khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán căn cứ vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành công việc.
Dựa trên những quy định nêu trên, lương khoán có thể được hiểu là khoản lương được trả dựa theo khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành công việc của người lao động. Lương khoán thường được áp dụng cho các công việc mang tính chất thời vụ, tạm thời.
II. Cách tính và các hình thức trả lương khoán
1. Cách tính lương khoán
Lương khoán sẽ được tính dựa trên khối lượng hoàn thành công việc theo đúng chất lượng, thời gian công việc và đơn giá lương khoán.
Lương khoán được tính với công thức như sau:
Lương khoán = Mức lương khoán x Tỷ lệ % sản phẩm hoàn thành
Với ví dụ Chị A được thuê làm thêu tranh trong vòng 05 tháng, mỗi một bức tranh hoàn thành chị sẽ được trả 400.000 đồng.
- Nếu chị A hoàn thành một bức tranh đảm bảo được chất lượng và thời gian theo thỏa thuận thì chị sẽ nhận được 400.000 đồng.
- Nếu trong trường hợp chị A làm bỏ dở mà mới chỉ thêu được 50% bức tranh thì chị sẽ được hưởng: 400.000 x 50% = 200.000 đồng
Như vậy, với công thức tính lương khoán như trên, người sử dụng lao động cần phải xây dựng được đơn giá để làm căn cứ tính lương khoán cho người lao động.
2. Hình thức trả lương khoán
Theo quy định của pháp luật về lao động thì người lao động và người sử dụng lao động được phép thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm và lương khoán dựa trên cơ sở về tính chất công việc, điều kiện sản xuất kinh doanh. Cụ thể Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:
“Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian căn cứ vào thời gian làm việc từng ngày, từng tuần, từng ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.”
- Tiền lương tháng trả cho một tháng làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng.
- Tiền lương tuần được trả cho 1 tuần làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận về tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần sẽ được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần và tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc theo tuần.
- Tiền lương ngày được trả cho thời gian 1 ngày làm việc.
- Tiền lương được trả cho một giờ làm việc.
- Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm và căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm được giao.
Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành. Tiền lương được quy định như trên sẽ được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản ngân hàng của người lao động.
III. Quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi nhận lương khoán
Cũng giống như các hình thức trả lương khác, lương khoán cũng có những quyền lợi và nghĩa vụ dành riêng cho người lao động cụ thể như sau:
1. Tính thuế TNCN đối với lương khoán
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho các cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên những ước tính tổng thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi đã trừ đi các khoản chưa đến mức phải nộp thuế TNCN thì cần làm cam kết để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ TNCN (Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC) .
2. Lao động nhận lương khoán không được đóng BHXH
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm người làm việc theo hợp động lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, những loại công việc mang tính chất ổn định, lâu dài thì thường không được phép ký hợp đồng khoán việc mà phải ký hợp đồng lao động.
IV. Hợp đồng giao khoán
Hợp đồng giao khoán là sự thỏa thuận của hai bên. Theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán. Và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.
Có 2 loại hợp đồng giao khoán:
1. Hợp đồng giao khoán việc toàn bộ
Bên giao khoán trao cho bên nhận khoán toàn bộ các chi phí. Bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí công lao động có liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc.
Trong khoản tiền người giao khoán trả cho người nhận khoán bao gồm chi phí vật chất, công lao động và lợi nhuận từ việc nhận khoán.
2. Hợp đồng giao khoán việc từng phần
Người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.
Trên đây là những thông tin cơ bản về các quy định của pháp luật về lương khoán của người lao động. Nếu quý độc giả có thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly