Hành vi phát sóng các tác phẩm điện ảnh của Hoa Kỳ của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT bị tố là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về vụ việc này trong bài viết dưới đây nhé.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Công ước Berne năm 1886.
Mục lục
1. Quyền tác giả là gì?
Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
2. Bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
- Hiện nay, tại Việt Nam, việc bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật SHTT năm 2005 và các văn bản khác có liên quan.
- Điều 679 BLDS 2015 quy định chung về quyền SHTT có yếu tố nước ngoài: “Quyền SHTT được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền SHTT được yêu cầu bảo hộ” .
- Khoản 2 Điều 13 Luật SHTT 2005 quy định: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
- Có thể thấy, quyền tác giả có yếu tố nước ngoài được chia làm 2 trường hợp. Cụ thể:
- Thứ nhất, tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định của Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp này, phải áp dụng quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để điều chỉnh việc bảo hộ quyền tác giả. Hiện nay Việt Nam là thành viên của những Điều ước quốc tế như: Công ước Berne, Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ…
- Thứ hai, trường hợp nếu không có Điều ước quốc tế điều chỉnh, pháp luật Việt Nam sẽ tiến hành bảo hộ trong các trường hợp: (1) Tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam; (2) Tác phẩm được công bố tại Việt Nam sau thời hạn 30 ngày, kể từ khi tác phẩm được công bố ở quốc gia khác.
3. Vụ việc FPT TELECOM bị tố xâm phạm tới quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
3.1 Nội dung vụ việc
- Năm 2008, Đại sứ quán Hoa Kỳ có phản ánh về tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh (phim) và quyền liên quan đối với chương trình phát sóng các kênh quốc tế như: CNN, BBC, CNBC, Star World, Star Movie, ESPN, ANIMAX, AXN, CN, Boomerang, DisneyPlayhouse Disney trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (iTV) của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Vụ việc này FPT Telecom đã xâm phạm đến quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Với bộ giải mã iTV kết nối tivi (TV) với các ADSL, khách hàng của iTV có thể thưởng thức toàn bộ các dịch vụ trên TV.
- Qua xác minh, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rằng: Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã ký hợp đồng hợp tác về truyền tải thông tin và cung cấp nội dung truyền hình trên hệ thống truyền hình trên internet với Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm truyền hình cáp Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Đồng Nai, hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, các kênh TV5, KBS. Công ty FPT đã phát phim và các kênh quốc tế Star World, Star Movie ESPN, ANIMAX, AXN, CN, Boomerang, Disney, Playhouse Disney trên iTV mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu.
3.2 Bình luận
- Hành vi phát sóng các bộ phim nhựa mà không có sự thỏa thuận bằng văn bản với chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã vi phạm pháp luật về SHTT, xâm phạm quyền tác giả được bảo vệ bởi các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
- Theo Điều 2 Công ước Berne 1886, các tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, sách mẫu và các bài viết khác, các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình điện ảnh … Các tác phẩm trong Điều 2 này được hưởng sự bảo hộ dành cho tác giả và những người thừa kế sở hữu quyền tác giả ở tất cả các nước thành viên của Liên hiệp. Các tác phẩm điện ảnh của Hoa Kỳ hoàn toàn được bảo hộ tại Việt Nam.
- Hành vi của Công ty FPT đã xâm phạm quyền tác giả được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 Luật SHTT 2005. Cụ thể:
“Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
… đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;..”
“Điều 21. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu
…2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này….”.
- Hành vi của Công ty FPT vi phạm khoản 8 Điều 28 Luật SHTT 2005. Cụ thể là: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này”. Như vậy, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT bị xử phạt vì hành vi phát sóng các tác phẩm điện ảnh của Hoa Kỳ mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu là hoàn toàn đúng pháp luật.
Trên đây là nội dung về vụ việc FPT bị tố xâm phạm đến quyền tác giả và quyền liên quan tới tác giả, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 26/10/2023