Trách nhiệm vật chất là trách nhiệm pháp lý của người lao động. Vậy trách nhiệm vật chất là gì? Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất? Trong phạm vi bài viết dưới đây, WINLEGAl sẽ giải đáp cho bạn.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Bộ luật Lao động năm 2019
Mục lục
1. Trách nhiệm vật chất là gì?
Trách nhiệm vật chất là loại trách nhiệm pháp lý do người sử dụng lao động áp dụng với người lao động bằng cách bắt buộc người lao động phải bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của họ gây ra trong quá trình lao động.
2. Đặc điểm của trách nhiệm vật chất
Thứ nhất, trách nhiệm vật chất trong luật lao động chỉ áp dụng đối với một bên của quan hệ lao động, đó là người lao động làm công ăn lương theo hợp đồng lao động.
Thứ hai, trách nhiệm vật chất chỉ phát sinh khi trong khi người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động.
Thứ ba, tài sản bị thiệt hại phải thuộc quyền quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu giữ hoặc chế biến của người sử dụng lao động.
Thứ tư, trách nhiệm vật chất do người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động.
3. Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất
Để áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động, người sử dụng lao động phải có những căn cứ nhất định. Đó là những điều kiện cần và đủ để người sử dụng lao động có thể áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động. Cũng như các loại trách nhiệm bồi thường khác, việc áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động cũng cần phải có 4 căn cứ:
– Có hành vi vi phạm kỷ luật.
– Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động.
– Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
– Có lỗi của người vi phạm.
3.1 Có hành vi vi phạm kỷ luật
Căn cứ đầu tiên để áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động là họ phải có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi vi phạm kỷ luật đều có thể bị áp dụng trách nhiệm vật chất.
3.2 Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động
Người lao động chỉ phải chịu trách nhiệm vật chất nếu hành vi vi phạm kỷ luật đó gây ra thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Cũng cần phải lưu ý rằng, thiệt hại để áp dụng trách nhiệm vật chất trong luật lao động phải là những thiệt hại trực tiếp, tức là những thiệt hại thực tế xảy ra. Nó thể hiện ở sự giảm bớt về số lượng hoặc giá trị của tài sản. Những lợi nhuận bị bỏ lỡ hoặc đáng lẽ có thể có được sẽ không được coi là thiệt hại theo căn cứ này để áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động. Đây cũng là điều dễ lí giải bởi ở đây người lao động bồi thường thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động nên phải căn cứ vào mức thiệt hại thực tế của tài sản.
Hơn nữa, các công việc, nghĩa vụ mà người lao động thực hiện thường gắn liền với tài sản của người sử dụng lao động nên việc gây thiệt hại về tài sản trong quá trình lao động là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, chỉ có thể buộc người lao động bồi thường những thiệt hại trực tiếp về tài sản, không thể buộc họ phải bồi thường cả những thiệt hại gián tiếp.
Trên thực tế, về mặt hình thức, tài sản bị thiệt hại có thể dưới dạng tài sản bị hư hỏng, bị mất mát hoặc tiêu hao vật tư vượt quá định mức cho phép. Vì vậy, khi xác định căn cứ này, người sử dụng lao động cần phải xác định một cách cụ thể tài sản bị thiệt hại là tài sản gì, hình thức thiệt hại ra sao, giá trị thiệt hại là bao nhiêu để làm căn cứ áp dụng trách nhiệm đối với người lao động.
3.3 Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra
Mặt khác, để áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động, người sử dụng lao động cũng phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra và thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm kỷ luật. Nếu không có mối quan hệ nhân quả này thì dù có đủ hai căn cứ là hành vi vi phạm kỷ luật và thiệt hại xảy ra, người lao động cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm vật chất.
3.4 Có lỗi của người vi phạm
Lỗi cũng là một trong các căn cứ để áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động. Lỗi trong trách nhiệm vật chất được hiểu là thái độ tâm lý của người có hành vi vi phạm kỷ luật gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động. Người lao động chỉ phải bồi thường trong trường hợp họ có lỗi trong việc gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động không có lỗi thì dù có đủ ba căn cứ trên, người lao động cũng không phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động như trường hợp bất khả kháng, sự cố khách quan, bão lụt…
Bốn căn cứ nêu trên là những điều kiện bắt buộc phải chứng minh khi người sử dụng lao động áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động. Ngoài ra trên thực tế, người sử dụng lao động cũng cần phải xem xét đến các yếu tố khác như khả năng, kinh nghiệm làm việc, hoàn cảnh gia đình, tài sản, ý thức thái độ của người lao động trước, trong và sau khi vi phạm cũng như quá trình làm việc của họ.
Trên đây là những thông tin cần viết về căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất đối với người lao động. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ về:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly
Ngày xuất bản: 28/10/2023