Bảo lãnh ngân hàng đối với khách hàng là người không cư trú

Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về một số vấn đề liên quan tới bảo lãnh ngân hàng đối với khách hàng là người không cư trú theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật các tổ chức tín dụng 2010
  • Luật đầu tư 2014
  • Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng
  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

II. Thế nào là bảo lãnh ngân hàng?

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

(Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

III. Người không cư trú là gì? 

Người không cư trú là người không đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây:

– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Tong đó:

+Ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. 

+ Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. 

Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

+Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú:

  •  Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
  •  Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

IV. Tổ chức tín dụng có được bảo lãnh cho khách hàng là người không cư trú?

Theo quy định tài khoản 1 điều 12 Thông tư 11/2022/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước nước được bảo lãnh cho khách hàng là người không cư trú. 

Tuy nhiên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh cho khách hàng là tổ chức là người không cư trú chứ không được bảo lãnh cho cá nhân là người không cư trú.

Khách hàng tổ chức ở đây là các khách hàng doanh nghiệp, công ty, tổ chức kinh doanh.

Việc quy định như vậy là hợp lý bởi việc bảo lãnh đối với khách hàng là người cư trú đã đem lại rất nhiều rủi ro cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó nếu bảo lãnh cho cá nhân là người không cư trú thì việc đảm bảo cá nhân đó thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó nếu khách hàng là tổ chức thì việc kiểm soát và đảm bảo tổ chức thực hiện nghĩa vụ sẽ ít rủi ro hơn. Tuy nhiên không phải tổ chức là người không cư trú nào cũng sẽ được bảo lãnh mà còn phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật.

V. Điều kiện để bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú

Việc bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú phải đáp ứng một trong những điều kiện dưới đây:

– Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư.

Trong đó: Hình thức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư là các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2014 là:

+ Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; 

+ Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;

– Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh hoặc có bảo đảm đủ 100% giá trị bảo lãnh bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh và chứng chỉ tiền gửi của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh;

– Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

VI. Tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài cần tuân thủ quy định nào về bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú?

Theo quy định tại khoản 3 điều 12 thông tư 11/2022/TT-NHNN thì Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú phải tuân thủ các quy định sau:

– Tuân thủ quy định pháp luật về hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú;

– Có quy trình đánh giá, quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có rủi ro trong bảo lãnh đối với người không cư trú.

Lưu ý: Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh bằng ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức là người không cư trú, trừ trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng ở nước ngoài hoặc xác nhận bảo lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng ở nước ngoài mà bên nhận bảo lãnh là người cư trú. 

Có thể thấy thông tư 11/2022/TT/NHNN quy định những điều mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải đảm bảo thực hiện khi bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú ít hơn so với quy định ở thông tư 07/2015/TT/NHNN.

Trên đây là những giải đáp về bảo lãnh cho khách hàng là người không cứ trú theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 18/12/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *