XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Hiện nay, muốn đi đầu trong việc tiêu thụ hàng hóa thì đòi hỏi thương nhân phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời sử dụng mọi giải pháp nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Vậy xúc tiến thương mại là gì? Đặc điểm như thế nào? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Thương mại năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.

1. XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI LÀ GÌ?

  • Trong tiếng Anh, “Xúc tiến” (Promotion) nghĩa là sự khuyến khích, ủng hộ, sự khuếch trương, thúc đẩy hay sự thăng tiến. Do đó, “Trade promotion” không chỉ là “Xúc tiến thương mại” mà còn là sự khuếch trương thương mại, sự thúc đẩy thương mại. 
  • Trong hoạt động kinh doanh, “Xúc tiến thương mại” là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội thương mại thông qua việc thương nhân sử dụng các kỹ thuật, nghệ thuật thuyết phục khác nhau nhằm liên hệ với thị trường mục tiêu và công chúng.
  • Ở góc độ kinh tế, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Thương mại) khẳng định “Xúc tiến thương mại là tất cả các biện pháp có tác động khuyến khích phát triển thương mại”
  • Ở góc độ pháp lý và trong khuôn khổ của pháp luật thương mại, “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại”.
  • Khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại”.
  • Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về xúc tiến thương mại. Mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá riêng về hoạt động này. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu xúc tiến thương mại là các hoạt động xúc tiến việc bán sản phẩm của thương nhân trên thị trường mục tiêu nói riêng và trên thị trường nói chung.

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

– Thứ nhất, về tính chất

  • Xúc tiến thương mại là hoạt động thương mại. 
  • Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”
  • Với đặc trưng là tìm kiếm, cũng như thúc đẩy cơ hội thực hiện các hoạt động thương mại khác nên xúc tiến thương mại thuộc nhóm hành vi thương mại không trực tiếp sinh lợi. 
  • Khác biệt với các hoạt động thương mại khác, xúc tiến thương mại là hoạt động mang tính hỗ trợ, tức là hỗ trợ việc bán hàng của doanh nghiệp nhằm giúp hoạt động kinh doanh của thương nhân đạt hiệu quả cao hơn.
  • Đây là hoạt động có ý nghĩa hỗ trợ cho việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay các hoạt động thương mại có mục đích sinh lợi khác. 

– Thứ hai, về chủ thể

  • Xúc tiến thương mại với mục tiêu là tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ nên chủ thể thực hiện chủ yếu là thương nhân, bởi lẽ đây là những chủ thể có tư cách pháp lý độc lập và thực hiện các hoạt động thương mại một cách độc lập. 
  • Trong hoạt động kinh doanh, việc thương nhân thực hiện các hành động tự tạo cơ hội cho bản thân nhằm cạnh tranh thành công là xu thế tất yếu.
  • Tuy nhiên, do đặc thù của những hình thức xúc tiến thương mại nên ngoài thương nhân còn có các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 cũng tham gia vào hoạt động này. 

– Thứ ba, về cách thức xúc tiến

  • Đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 2005 chủ yếu là thương nhân nên pháp luật thương mại chỉ quy định những cách thức xúc tiến thương mại do thương nhân tiến hành bao gồm: Thương nhân tự xúc tiến thương mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện dịch vụ xúc tiến thương mại cho mình.

– Thứ tư, về mục đích

  • Xúc tiến thương mại với mục đích trực tiếp là tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng mục đích lợi nhuận của thương nhân. 
  • Mặc dù “đầu tư” được coi là một hoạt động thương mại nhưng theo quy định của Luật Thương mại hiện hành thì mục đích chính của xúc tiến thương mại không gồm việc tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội đầu tư. 
  • Lý luận và thực tiễn kinh doanh không hạn chế mục đích tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội đầu tư nhằm phát triển thương mại nói chung. 
  • Xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho thương nhân tìm kiếm khách hàng và xúc tiến việc mua bán sản phẩm của mình. 

– Thứ năm, về hình thức

  • Hình thức xúc tiến thương mại hết sức đa dạng và phong phú. Luật Thương mại 2005 quy định chỉ gồm các hoạt động sau: Khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại. 
  • Tùy vào từng trường hợp cụ thể thì thương nhân sẽ lựa chọn hình thức xúc tiến thương mại phù hợp nhằm giới thiệu đến khách hàng doanh nghiệp và sản phẩm của mình, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trên đây là nội dung về hoạt động xúc tiến thương mại, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 26/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *