TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG

Để đảm bảo chặt chẽ và thống nhất quyền lợi của người lao động, trong nội bộ các công ty, doanh nghiệp cần có một tổ chức đại diện nói lên tiếng nói của người lao động. Vậy tổ chức đại diện người lao động là gì? Trong phạm vi bài viết dưới đây, WINLEGAL sẽ cung cấp thông tin cho bạn.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Bộ luật Lao động năm 2019

– Luật Công đoàn năm 2012

1. Tổ chức đại diện người lao động là gì

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể:

“Tổ chức đại điện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động.”

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động

Theo Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động bao gồm:

Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động 

Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật

Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.

Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.

Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ Luật lao động 2019.

Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.

Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

3. Đối tượng có quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Theo Điều 13 Quyết định số 174/QĐ-TLĐ quy định các đối tượng sau có quyền thành lập, gia nhập công đoàn cơ sở như sau:

“Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.”

Như vậy, đối tượng có quyền thành lập công đoàn cơ sở gồm có: đoàn viên công đoàn hoặc người lao động (chưa là đoàn viên) tại doanh nghiệp. Đoàn viên công đoàn nôm na được hiểu là người lao động trong doanh nghiệp đã tham gia vào tổ chức công đoàn, có nhu cầu muốn thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đang làm việc.

Và theo khoản 2 Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:

“Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.”

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tổ chức của người lao động tại cơ sở

Điều 175 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, nghiêm cấm người sử dụng lao động có các hành vi sau liên quan đến việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

“1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:

2. Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.”

Thành lập, gia nhập tổ chức đại diện người lao động là quyền của người lao động. Về phía người sử dụng lao động, không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thực hiện quyền này của họ.

Khi tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở được thành lập hợp pháp, người sử dụng lao động phải công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đã được luật quy định.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác hoặc kỷ luật sa thải đổi với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải thoả thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh và thực hiện theo quy định pháp luật.

Nếu hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã hết hạn mà họ vẫn còn trong nhiệm kỳ, phải gia hạn hợp đồng lao động cho tới khi hết nhiệm kỳ của người đó.

Trên đây là những thông tin cơ bản về tổ chức đại diện người lao động theo quy định pháp luật. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ về: 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 28/10/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *