Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ trình tự, thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật.
1.Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
2.Hỏi cung bị can là gì?
Dưới góc độ khoa học điều tra tội phạm, hỏi cung bị can là “biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó.
Từ định nghĩa trên có thể thấy:
– Vị trí của hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra cơ bản của giai đoạn điều tra vụ án hình sự
– Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập và mô tả theo trình tự tố tụng hình sự thật đầy đủ, chính xác, khách quan lời khai của bị can về vụ án hình sự, hành vi phạm tội của bị can cùng đồng bọn và những tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, xử lý vụ án và phòng ngừa phạm tội.
– Việc hỏi cung sẽ do điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện.
3.Chủ thể tiến hành hỏi cung bị can dưới 18 tuổi
– Chủ thể chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn hỏi cung bị can là Cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
– Chủ thể hỗ trợ việc hỏi cung bị can gồm: Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra, Kiểm tra viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân; là người tiến hành tố tụng nhưng họ không có quyền hạn triệu tập và hỏi cung bị can. Họ chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn giao, chuyển, gửi giấy triệu tập; ghi biên bản hỏi cung bị can…khi được Điều tra viên, Kiểm sát viên phân công.
– Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 415 BLTTHS và Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì chủ thể có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi cần phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
+ Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
+ Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
+ Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
4.Trình tự, thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi
– Về thời gian, địa điểm tiến hành hỏi cung
+ Về thời gian hỏi cung: Khi có quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can. Không tiến hành hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 421 BLTTHS thì thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp như: phạm tội có tổ chức, để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn, ngăn chặn người khác phạm tội, để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
+ Về địa điểm hỏi cung: Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch 06/2018 thì việc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra thì cần phải sắp xếp, bố trí phòng hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi. Nếu vụ án có nhiều bị can thì phải tiến hành hỏi cung riêng đối với bị can và không để các bị can có điều kiện trao đổi, tiếp xúc với nhau trong quá trình hỏi cung.
– Về trình tự, thủ tục tiến hành hỏi cung:
+ Đối với hoạt động hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do đó, trước khi tiến hành hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung.
Ngoài sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề nghị Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức khác nơi tiến hành tố tụng cử người tham gia tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ cho bị can là người dưới 18 tuổi không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định khi có đề nghị của bị can, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết.
+ Trước khi hỏi cung bị can lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can, biết rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 60 BLTTHS và phải ghi rõ vào biên bản; giải thích cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can; người phiên dịch (nếu có) biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật rồi mới tiến hành hỏi cung bị can.
+ Trước khi đưa ra những câu hỏi yêu cầu bị can trình bày về những tình tiết của vụ án thì Điều tra viên cần đưa ra những câu hỏi xác định tình trạng sức khỏe của bị can, xác định mối quan hệ giữa bị can và người bị hại. Điều tra viên có thể yêu cầu bị can trình bày hoặc tự viết lại một cách trung thực, thành khẩn và tự nguyện về những tình tiết của vụ án, sao đó mới đặt các câu hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án.
+ Trong quá trình hỏi cung, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can có thể đưa ra những câu hỏi để hỏi bị can sau mỗi lần hỏi cung của Điều tra viên, Kiểm sát viên kết thúc và việc hỏi bị can của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can phải được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý.
– Biên bản hỏi cung bị can:
+ Biên bản hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại các Điều 133, 178, 184 BLTTHS.
+ Sau mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản, nội dung biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời.
+ Trong trường hợp người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can hỏi bị can thì biên bản hỏi cung bị can cũng phải ghi đầy đủ câu hỏi của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can và câu trả lời của bị can.
+ Nghiêm cấm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự ý sửa chữa, thêm bớt lời khai của bị can;
+ trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên, Kiểm sát viên cùng kí xác nhận vào nội dung bổ sung và sửa chữa đó. Sau khi hỏi cung xong, Điều tra viên phải đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc lại biên bản;
+ Biên bản hỏi cung có nhiều trang thì bị can, người phiên dịch (nếu có) cùng ký vào từng trang của biên bản; người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên, Kiểm sát viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.
Trên đây là những giải đáp về trình tự thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My