Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ với con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động và tài sản để tự nuôi mình.
Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con cái sau ly hôn là một việc hết sức cần thiết với chính người nhận cấp dưỡng cũng như với người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ giúp cho người con có cuộc sống đầy đủ hơn về mặt vật chất, tinh thần. Việc này còn giúp người trực tiếp nuôi con giảm bớt gánh nặng về mặt tài chính, giúp ổn định đời sống.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
II. Những quy định về cấp dưỡng cho con sau ly hôn
1. Cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn là gì?
- Cấp dưỡng cho con khi ly hôn là việc người cha hoặc người mẹ sau khi ly hôn đóng góp bằng tiền hoặc tài sản để hỗ trợ người còn lại trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung của cả hai người nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con khi không trực tiếp sống chung với người cha hoặc người mẹ – là người cấp dưỡng.
- Trường hợp phải cấp dưỡng: Con là người chưa thành niên HOẶC là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản riêng để tự nuôi sống bản thân.
2. Người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn
- Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”
- Như vậy, người có nghiã vụ cấp dưỡng ở đây là người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, có thể là cha hoặc mẹ tùy thuộc vào việc sau ly hôn người con chung sống với ai, ai có nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn.
Ví dụ: Sau khi A và B ly hôn, A có được quyền nuôi con là C đang 1 tuổi thì trong trường hợp này A đang là người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, còn B là người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Và B sẽ là người phải thực hiện nghãi vụ cấp dưỡng cho con trong trường hợp này.
3. Mức cấp dưỡng
- Sau khi ly hôn thì việc xác định mức cấp dưỡng là một vấn đề cần thiết. Việc xác định mức cấp dưỡng vẫn chưa có một quy định nào của pháp luật quy định cụ thể mà sẽ được xác định tùy thuộc vào từng vụ việc. Mức cấp dưỡng sẽ được xác định dựa trên thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng ở đây là người con.
- Khi xác định mức cấp dưỡng thì pháp luật ưu tiên xác định theo sự thỏa thuận. Có nghĩa là, người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con.
- Với trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về mức cấp dưỡng thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
4. Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
4.1. Về phương thức cấp dưỡng: Điều 117 Luật hôn nhân và gia định 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng như sau: “Điều 117: Phương thức cấp dưỡng
- Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
- Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
4.2. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng: Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Điều 118: Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.”
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng của người cấp dưỡng sẽ được thực hiện, chấm dứt theo những quy định của Luật Hôn nhân và gia định 2014 như đã nêu ở trên.
III. Thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
1. Khi nào thì có thể thay đổi về mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?
Sau khi ly hôn, nếu không đồng ý với mức cấp dưỡng ban đầu, hoặc sau một thời gian bên có nghĩa vụ cấp dưỡng có nhu cầu được giảm mức cấp dưỡng với lý do chính đáng thì các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc thay đổi mức cấp dưỡng. Để có thể yêu cầu việc thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng phải chứng minh được trong thời gian cấp dưỡng:
Xảy ra khó khăn về mặt kinh tế
Các vấn đề khác liên quan như sụt giảm về mặt thu nhập
Là lao động chính trong gia đình cần nuôi dưỡng các thành viên khác
Các khoản nợ nần
Hoặc các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật.,,,
Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia định 2014:“Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
2. Thủ tục thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
Tòa án tôn trọng sự thỏa tuận giữa các bên về việc thay đổi mức cấp dưỡng. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể thỏa thuận lại với người con hoặc người trực tiếp nuôi con về mức cấp dưỡng sau khi ly hôn. Hia bên tự thỏa thuận về mức cấp dưỡng phù hợp với điều kiện của bên cấp dưỡng và phù hợp với nhu cầu của người con.
Nếu các bên không thể thỏa thuận được thì người có yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, thủ tục giải quyết được quy định trong Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
IV. Thẩm quyền của Tòa án
Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc Tòa án cấp huyện theo lãnh thổ được hai bên thỏa thuận lựa chọn.
Khoản 5 Điều 28 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015: “Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
….
- Tranh chấp về cấp dưỡng
…”
1. Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Khoản 1 Điều 35 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
- a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
2. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
- Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
…”
3. Hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng
Đơn yêu cầu thay đổi cấp dưỡng nuôi con
Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn và vấn đề nuôi con chung
Bản sao sổ hộ khẩu hoặc Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân
Giấy tờ chứng minh các điều kiện: Thu nhập, sức khỏe, giấy tờ vay nợ, biên lai thu viện phí, phí khám sức khỏe,…
- Phương thức gửi hồ sơ:
Gửi trực tiếp tại Tòa án nhân dân
Gửi đến Tòa án nhân dân theo đường dịch vụ bưu chính
Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nếu có).
- Lệ phí yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng là 300.000 đông theo quy định tại danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
Trên đây là một số quy định của pháp luật về việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (Văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, Đường Nguyễn Hoàng Tôn, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 02462933222/ 0976366217
Chuyên viên: Ms. Liễu