Bài viết sau đây CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL xin gửi đến quý độc giả Quy trình cấp chứng chỉ ISO 22000:2018.
I. ISO 22000:2018 LÀ GÌ?
ISO 22000 là hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn này được xây dựng và ban hành vởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) với nội dung tập trung vào mảng an toàn vệ sinh thực phẩm quản lý chặt chẽ hơn đối với các vấn đề: Quản lý nguyên vật liệu đầu vào; Quản lý Kế hoạch sản xuất; Quản lý kho; Quản lý nhân sự sản xuất; Quản lý thành phẩm; Quản lý về điều kiện nhà xưởng; Quản lý dụng cụ sản xuất….
Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là phiên bản chính thức mới nhất thay thế cho phiên bản ISO 22000:2005, được phát hành vào ngày 19/06/2018 bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO).
II. ISO 22000:2018 PHÙ HỢP VỚI DOANH NGHIỆP NÀO?
Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn tự nguyện có thể áp dụng với tất cả các tổ chức trong chuỗi thực phẩm, không phân biệt quy mô và mức độ phức tạp của tổ chức. Trong đó bao gồm các tổ chức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Bao gồm:
- Những nông trại, ngư trường hoặc trang trại sữa;
- Những đơn vị chuyên chế biến các thực phẩm như thịt, cá và thức ăn chăn nuôi;
- Những nhà sản xuất ngũ cốc, bánh mì, đồ uống, thực phẩm đóng hộp hoặc đông lạnh;
- Những đơn vị cung cấp dịch vụ về thực phẩm, điển hình như nhà hàng, cửa hàng đồ ăn nhanh, khách sạn, bệnh viện và những cửa hàng bán thực phẩm lưu động;
- Những đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ và phân phối, vận chuyển thực phẩm;
- Những cơ sở cung cấp thiết bị chế biến thực phẩm, chất phụ gia, nguyên vật liệu trong chế biến thực phẩm;
- Những cơ sở cung cấp dịch vụ dọn dẹp, vệ sinh và đóng gói thực phẩm.
III. ISO 22000:2018 CÓ THỂ THAY THẾ GIẤY PHÉP VỆ SINH AN TOÀN KHÔNG?
Hiện nay, để chứng minh năng lực khi tham gia một số hoạt động dự án đấu thầu, liên quan tới các thực phẩm như thịt, rau, cá, hoặc thức ăn cung cấp cho các nhà hàng, doanh nghiệp nhà nước, trường học, bệnh viện… thì ngoài yêu cầu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức chứng nhận ISO 22000:2018 này.
Theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm quy định cơ sở KHÔNG thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm: “k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực”.
Như vậy, Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận ISO 22000 sẽ không phải thực hiện xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
IV. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẠT ĐƯỢC CHỨNG NHẬN ISO 22000:2018
Muốn áp dụng ISO 22000:2018 đòi hỏi các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS) bài bản. Việc xây dựng cần có kế hoạch, lộ trình và được hệ thống bằng văn bản hóa và thực hiện theo các yêu cầu dưới đây:
- Doanh nghiệp cần thiết lập quy trình hệ thống quản lý an toàn thực phẩm để áp dụng;
- Cần xây dựng chương trình tiên quyết tại chỗ để tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ và ngăn nắp cho doanh nghiệp;
- Hệ thống ISO 22000:2018 muốn phát huy hiệu quả cần phải thiết lập kế hoạch phân tích mối nguy và những biện pháp nhằm kiểm soát chúng cũng như loại hoàn toàn mối nguy hiểm về an toàn thực phẩm.
V. CƠ QUAN CẤP VÀ QUY TRÌNH CẤP CHỨNG NHẬN ISO 22000:2018
Giấy chứng nhận ISO 22000:2018 là một chứng chỉ do 01 Tổ chức chứng nhận cấp. Tổ chức chứng nhận hoạt động theo nguyên tắc chung của Tổ chức ISO thế giới, có tư cách pháp lý rõ ràng, đồng thời, cũng là đơn vị chịu sự giám sát và cấp phép chỉ định của Bộ Khoa học Công nghệ.
Bước 1: Đăng ký chứng nhận và thỏa thuận với Tổ chức chứng nhận
Doanh nghiệp cần trao đổi thông tin liên quan với Tổ chức chứng nhận. Việc này nhằm mục đích thống nhất thông tin giữa hai bên, đảm bảo thực hiện đúng theo yêu cầu của khách hàng. Những thông tin cần trao đổi như: Thủ tục đăng kí đánh giá chứng nhận ISO 22000; Điều kiện cần để được chứng nhận; Quy trình thực hiện; Chi phí thực hiện; …
Phiếu Đăng ký chứng nhận bao gồm các thông tin liên quan đến doanh nghiệp như: Tên doanh nghiệp; Địa điểm đánh giá; Lĩnh vực sản xuất; Số lượng nhân sự; …
Bước 2: Tổ chức chứng nhận xem xét thông tin và lập kế hoạch đánh giá
Tổ chức chứng nhận tiếp nhận thông tin và yêu cầu của doanh nghiệp, sau đó xem xét thông tin và lập kế hoạch đánh giá gửi khách hàng. Kế hoạch đánh giá chủ yếu bao gồm các thông tin chứng nhận, ví dụ: thời gian đánh giá, địa điểm đánh giá, thông tin các chuyên gia đánh giá, nội dung đánh giá, …
Bước 3: Đánh giá tài liệu và đánh giá chứng nhận tại hiện trường
Việc đánh giá chứng nhận thường trải qua 02 bước cơ bản:
Một là, đánh giá xem xét hệ thống tài liệu của doanh nghiệp;
Hai là, đánh giá thực tiễn tại nhà xưởng sản xuất, nơi doanh nghiệp kinh doanh…
Các chuyên gia đánh giá của Tổ chức chứng nhận sẽ xem xét các tài liệu, quy trình, hướng dẫn… và thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có phù hợp với các điều khoản trong tiêu chuẩn ISO 22000 hay không.
Bước 4: Kiểm tra khắc phục và thẩm xét hồ sơ
Tổ chức chứng nhận sẽ kiểm tra lại tình trạng cần khắc phục các điểm không phù hợp đã được chỉ ra ở bước trước đó. Sau khi các điểm không phù hợp đã được khắc phục, Tổ chức chứng nhận sẽ thẩm xét và hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận. Tổ chức chứng nhận sẽ gửi cho doanh nghiệp 01 bản demo giấy chứng nhận qua email. Bản demo sẽ bao gồm các thông tin giống như 01 chứng chỉ ISO chính thức.
Bước 5: Cấp giấy chứng nhận ISO 22000:2018 và bàn giao hồ sơ
Sau khi đã thẩm xét xong hồ sơ và xác nhận thông tin chứng chỉ với doanh nghiệp, Tổ chức chứng nhận sẽ cấp cho doanh nghiệp 01 Giấy chứng nhận ISO. Giấy chứng nhận ISO có hiệu lực 03 năm và thời hạn giám sát tối thiểu 12 tháng/lần.
Sau khi được cấp, để duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận ISO 22000, doanh nghiệp cần phải thực hiện đánh giá giám sát hàng năm và chứng nhận lại sau 03 năm.
Trên đây là Quy trình cấp chứng chỉ ISO 22000:2018. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Tú Anh
Hay
Hữu ích