QUY ĐỊNH VỀ ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ THEO HIỆP ĐỊNH VỀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ (ADA) CỦA WTO

Biện pháp chống bán phá giá (CBPG) là một trong những biện pháp phòng vệ thương mại được WTO và các Hiệp định Thương mại tự do cho phép để áp dụng như là biện pháp hợp pháp nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tiễn tồn tại nhiều trường hợp phải đình chỉ điều tra CBPG bởi nhiều lý do khác nhau. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về những trường hợp đình chỉ điều tra CBPG theo ADA nhé.

I. BÁN PHÁ GIÁ LÀ GÌ? SẢN PHẨM BÁN PHÁ GIÁ LÀ GÌ?

  • Bán phá giá trong thương mại quốc tế là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn giá bán của hàng hoá đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu. Đặc biệt, trong WTO, đây được coi là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.
  • Sản phẩm bán phá giá là sản phẩm có giá xuất khẩu của một sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường (Điều 2.1 ADA).

II. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ THEO HIỆP ĐỊNH ADA

1. Trường hợp 1: Các cơ quan hữu quan thấy rằng không có đầy đủ bằng chứng về việc bán phá giá hoặc về tổn hại đủ để biện minh cho việc triển khai điều tra trường hợp phá giá đó

  • Điều tra CBPG chỉ được thực hiện khi có đơn yêu cầu bằng văn bản của ngành sản xuất trong nước hoặc của người dân dành cho ngành sản xuất  trong nước.
  • Đơn yêu cầu phải bao gồm các bằng chứng xác thực về việc bán phá giá, thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại nói trên.
  • Nếu không có bằng chứng hoặc thiếu bằng chứng nhằm chứng minh về việc bán phá giá hoặc về tổn hại đủ để biện minh cho việc triển khai điều tra trường hợp phá giá đó thì sẽ không áp dụng biện pháp CBPG, đồng thời đình chỉ cuộc điều tra.

2. Trường hợp 2: Cơ quan có thẩm quyền xác định rằng biên độ bán phá giá không quá mức tối thiểu (de minimis)

  • Điều 5.8 ADA quy định: “Biên độ bán phá giá không quá mức tối thiểu, tức là dưới 2%”
  • Mặc dù con số biên độ bán phá giá có thể lớn hơn 0 nhưng nếu nhỏ hơn 2% thì đây được coi là biên độ phá giá không đáng kể. Với biên độ này thì sẽ không gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước nên sẽ đình chỉ CBPG.

3. Trường hợp 3: Khối lượng hàng nhập khẩu được bán phá giá hoặc tổn hại tiềm ẩn hoặc tổn hại thực tế không đáng kể

  • Theo Điều 5.8 ADA thì lượng nhập khẩu được coi là không đáng kể nếu như khối lượng hàng nhập khẩu được bán phá giá từ một nước cụ thể dưới 3% tổng nhập khẩu các sản phẩm tương tự vào nước nhập khẩu. 
  • Cơ quan điều tra sẽ chấm dứt điều tra và không đi đến áp dụng biện pháp CBPG nếu thỏa mãn đồng thời kim ngạch nhập khẩu hàng bán phá giá dưới 3% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm tương tự và tổng số hàng nhập khẩu của mỗi nước có khối lượng hàng bán phá giá dưới 3% đó dưới 7%.
  • Biên độ bán phá giá lớn hơn 2% nhưng thiệt hại là không đáng kể sẽ không có sức tác động và không có khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu nên cuộc điều tra sẽ bị đình chỉ. 

4. Trường hợp 4: Đơn kiện bị rút lại

  • Việc nước nhập khẩu có ra quyết định khởi xướng các cuộc điều tra CBPG và có áp dụng các biện pháp CBPG hay không hoàn toàn là sự lựa chọn của họ. 
  • Khi người khởi kiện cảm thấy hàng nhập khẩu bán phá giá không còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của mình hoặc một số lý do khác thì có thể rút lại đơn kiện. Đơn kiện bị rút lại sẽ dẫn đến cuộc điều tra CBPG bị đình chỉ. 

5. Trường hợp 5: Cam kết về giá được chấp thuận

  • Theo Điều 8.1 ADA thì các thủ tục có thể được đình chỉ mà không áp dụng bất cứ biện pháp tạm thời hay thuế chống phá giá nào nếu như các nhà xuất khẩu có cam kết ở mức thoả đáng sẽ điều chỉnh giá của mình.
  • Cam kết về giá là sự thỏa thuận tự nguyện giữa nhà xuất khẩu và nước nhập khẩu về cam kết sửa đổi mức giá bán hoặc cam kết ngừng xuất khẩu phá giá hàng hóa. Khi cam kết về giá được chấp thuận quá trình điều tra sẽ đình chỉ đối với các nhà xuất khẩu có cam kết, trừ trường hợp các nhà xuất khẩu đó yêu cầu tiếp tục điều tra hoặc nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định như vậy.

6. Trường hợp 6: Kết luận phủ định không có việc bán phá giá gây thiệt hại

  • Hành vi bán phá giá được xác định nếu giá xuất khẩu (EP) nhỏ hơn giá trị thông thường (NV), là một trong ba điều kiện để áp thuế chống bán phá giá. Nếu không phát hiện việc bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì sẽ đình chỉ điều tra, không áp dụng biện pháp CBPG.

Trên đây là những nội dung quy định về đình chỉ điều tra chống bán phá giá theo Hiệp định ADA của WTO mà WINLEGAL chia sẻ đến bạn đọc. Bạn có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *