Khiếu nại và tố cáo là hai phương thức hữu hiệu để công dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Hãy cùng WINLEGAL phân biệt theo một số tiêu chí dưới đây nhé.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Khiếu nại năm 2011;
- Luật Tố cáo năm 2018.
II. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO
1. Khái niệm
- Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
- Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo quy định: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
2. Mục đích
- Mục đích của khiếu nại là bảo vệ, cũng như khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân người khiếu nại nhanh chóng, đúng theo quy định của pháp luật. Khiếu nại được đặt ra khi chủ thể có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện một hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để họ biết về hành vi vi phạm pháp luật đó, cũng như kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa hành vi vi phạm.
3. Đối tượng
- Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
- Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bao gồm hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
4. Chủ thể có quyền
- Chủ thể của khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
- Chủ thể của tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo. Cá nhân gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.
5. Thẩm quyền giải quyết
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về người có quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc thủ trưởng, cấp trên của người bị khiếu nại.
- Theo quy định của Luật Khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người có quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật bị khiếu nại.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai do Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết.
- Thẩm quyền giải quyết tố cáo thuộc về Thủ trưởng, cấp trên của người bị tố cáo; Thủ trưởng cơ quan quản lí lĩnh vực có hành vi bị tố cáo.
- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu trong lúc hành vi tố cáo đó xảy ra giải quyết tố cáo, cụ thể là Thủ trưởng, cấp trên của người bị tố cáo.
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thì vi phạm trong lĩnh vực nào do người đứng đầu cơ quan trong lĩnh vực đó giải quyết tố cáo, cụ thể là Thủ trưởng cơ quan quản lý lĩnh vực có hành vi bị tố cáo.
6. Thủ tục giải quyết
- Khiếu nại có thời hiệu khiếu nại và có đối thoại. Pháp luật hiện hành quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày. Khiếu nại là quyền nên mỗi cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thực hiện hay không thực hiện dựa trên cơ sở lợi ích của bản thân.
- Tố cáo không có thời hiệu tố cáo và không có đối thoại. Pháp luật hiện hành không quy định thời hiệu tố cáo do nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tố cáo.
Trên đây là toàn bộ nội dung cơ bản về khiếu nại và tố cáo. Hy vọng WINLEGAL sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn. Mọi nhu cầu hỗ trợ về pháp lý xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang