Người lao động cao tuổi và chế độ đãi ngộ đặc biệt

Hiện nay, quy định  về độ tuổi nghỉ hưu trí đang rút ngắn lại, người lao động bằng kinh nghiệm qua nhiều năm làm việc vẫn muốn tiếp tục cống hiến và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình. Khi đi làm lại sau khi đã nghỉ hưu, họ được xếp vào nhóm người lao động cao tuổi và cùng với đó cũng có chế độ đãi ngộ khác với những lao động trẻ, lao động thông thường.

Thế nào là lao động cao tuổi?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 và Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Điều 148. Người lao động cao tuổi

  1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
  2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
  3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Người lao động cao tuổi cần ký hợp đồng lao động không?

Người lao động và người sử dụng lao động phải có thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vì vậy, khi đã nghỉ hưu, người lao động tiếp tục đi làm vẫn sẽ được ký hợp đồng lao động bình thường.

Nhằm tận dụng triệt để nguồn lao động sẵn có vì thế người lao động cao tuổi sẽ được hưởng một số ưu đãi đặc quyền như :

– Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

– Được thỏa thuận về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian để đảm bảo quyền lao động và phù hợp với tình trạng sức khỏe.

– Ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi còn được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

Những lưu ý khi sử dụng lao động là người cao tuổi

Người sử dụng lao động cần nắm bắt những điều khoản được quy định rõ trong bộ luật Lao động năm 2019 trước khi khai thác, sử dụng nguồn nhân lực này :

Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi

  1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
  2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
  3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
  4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Người lao động cao tuổi có phải đóng BHXH không?

Theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);”

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì phải đóng xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trường hợp loại trừ đối với người đang hưởng lương hưu không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“ Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”

Vì vậy, người lao động đang hưởng lương hưu thì không phải đóng BHXH bắt buộc.

Ngoài ra theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“ Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

Vậy, tuy không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, người lao động cao tuổi ngoài nhận tiền lương được trả theo công việc, thì còn được doanh nghiệp chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và được chuyển cùng lúc với kỳ trả lương.

Trên đây là một số thông tin cơ bản Winlegal gửi đến quý khách, để nhận được giải đáp những thắc mắc cụ thể ngoài phạm vi bài viết xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222

HUYỀN VŨ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *