LY HÔN VÀ MẪU ĐƠN LY HÔN

     Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Hôn nhân là quan hệ giữa vợ – chồng sau khi kết hôn tức là mối quan hệ vợ – chồng được xác lập sau khi được UBND cấp có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

     Vậy Ly hôn chính là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó, khi thực hiện việc Ly hôn hai bên hoặc một trong hai bên cần phải thực hiện việc nộp đơn ly hôn tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu thực hiện giải quyết việc ly hôn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn đọc hai trường hợp quyền yêu cầu giải quyết Ly hôn phổ biến mà Tòa án thường tiếp nhận đó là Ly hôn thuận tình và Đơn phương ly hôn.

1. LY HÔN THUẬN TÌNH

     Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thuận tình ly hôn như sau : “Trường hợp vợ chồng cùng đồng tình ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án quyết định.”

     Như vậy,  khi yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn, vợ chồng cần lưu ý phải đáp ứng các điều kiện sau và thể hiện rõ nội dung trong đơn Yêu cầu giải quyết việc thuận tình ly hôn gồm: 

  • Ly hôn một cách tự nguyện của cả vợ và chồng (xét về mặt tình cảm, đời sống chung);
  • Thỏa thuận xong về việc phân chia tài sản chung, nợ chung;
  • Thỏa thuận xong về việc người nuôi dưỡng, trông nom, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người vợ và con.

     Hiện nay, mẫu đơn thuận tình không được viết tùy tiện mà cần tuân thủ mẫu chuẩn được ban hành bởi Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, đối với trường hợp thuận tình ly hôn, quý bạn đọc có thể sử dụng mẫu 01-VDS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Quý bạn đọc có thể tải mẫu tại đây:Mẫu đơn Ly hôn Thuận Tình – con cái -tài sản

Theo đó, Hồ sơ thuận tình ly hôn gồm những giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu);
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính (trường hợp không có bản chính có thể nộp bản sao hoặc bản xin trích lục tại UBND cấp xã nơi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn);
  • Bản sao công chứng căn cước công dân của hai vợ chồng (trường hợp không có thì có thể nộp các giấy tờ khác thay thế theo hướng dẫn của Tòa án);
  • Bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung.
  • Các giấy tờ về tài sản chủng, nợ chung trong trường hợp có yêu cầu Tòa án ghi nhận thỏa thuận của vợ, chồng về việc phân chia vào quyết định công nhận thuận tình ly hôn (nếu có).

      Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ yêu cầu ly hôn, vợ chồng có thể nộp trực tiếp tại Tòa án cấp huyện nơi cư trú của vợ hoặc chồng (nếu hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì nôp tại Tòa án cấp tỉnh) hoặc gửi qua đường bưu điện.

2. ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

     Ly hôn đơn phương là trường hợp một trong hai bên Vợ hoặc Chồng có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn khi người vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được hoặc một trong hai bên bị Tòa án tuyên bố mất tích.

    Như vậy, Tòa án xem xét để giải quyết việc ly hôn đơn phương khi có các điều kiện sau:

  • Có đơn khởi kiện ly hôn đơn phương;
  • Đã hòa giải tại Tòa án không thành;
  • Có căn cứ người vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được;
  • Người vợ hoặc người chồng bị tòa án tuyên bố mất tích.

    Hiện nay, đơn khởi kiện ly hôn đơn phương cũng không được viết tùy tiện mà phải theo mẫu chung được ban hành bởi Hội đồng thẩm phán, tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, đối với mẫu đơn ly hôn đơn phương, quý bạn đọc sử dũng mẫu 23-DS: Đơn khởi kiện(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Quý bạn đọc có thể tải mẫu tại đây:Mẫu đơn khởi kiện ly hôn (Ly hôn đơn phương) 

    Hồ sơ ly hôn đơn phương gồm:

  • Đơn khởi kiện về việc ly hôn;
  • Bản sao công chứng căn cước công dân của người khởi kiện và người bị kiện (nếu có);
  • Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
  • Bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung;
  • Các giấy tờ (bản sao) về tài sản chung, nợ chung

   Chuẩn bị xong hồ sơ, người khởi kiện nộp hồ sơ xin ly hôn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Toà án Nhân dân quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú). Nếu ly hôn mà một trong hai bên hoặc có tài sản ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân tỉnh/thành phố nơi bị đơn cư trú. 

Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:

  1. Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của vợ và chồn
  2. Giấy đăng ký kết hôn (bản chính)
  3. Giấy khai sinh của các con
  4. Giấy tờ về tài sản nếu có yêu cầu chia.

                                                      Mẫu đơn ly hôn mới nhất

Mẫu đơn khởi kiện ly hôn Ly hôn đơn phương

 

Mẫu đơn Ly hôn Thuận Tình – con cái -tài sản

3. TRƯỜNG HỢP CẤM LY HÔN

     Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay quy định các trường hợp cấm người Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong 03 trường hợp vợ sau:

  • Người vợ đang có thai,;
  • Người vợ mới sinh con;
  • Người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

     Theo quy định tại Điều 88 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 gián tiếp xác định cha, mẹ như sau: 

     “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

     Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

    Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

   2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

       Như vậy, từ quy định này, có thể thấy rằng, khi người chồng muốn ly hôn trong thời gian người vợ đang mang thai, đã sinh con mà phát hiện người con đó không phải con của mình thì người chồng sẽ không thể ngay lập tức yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của mình. Bởi chính quy định trên nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và quyền lợi sau sinh của người phụ nữ, đây cũng chính là một nét nhân đạo của pháp luật nhưng cũng là một hiện thực ngang trái khi chính người vợ hợp pháp của mình lại mang thai không phải con của người chồng. 

      Trên đây là bài viết liên quan tới Ly hôn thuận tình và Ly hôn đơn phương cũng như mẫu đơn ly hôn mà Luật winlegal đã gửi tới quý bạn đọc. Trường hợp có băn khoăn, thắc mắc cần được hỗ trợ tư vấn giải quyết vụ việc của bản thân, quý khách hàng hãy liên hệ với công ty luật Winlegal để có được lời tư vấn tốt nhất để tháo gỡ trong các trường hợp cụ thể. Mọi yêu cầu xin liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0868.192.992

 Huyền Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *