Vấn đề thử việc hiện nay không còn quá xa lạ đối với người lao động, tuy nhiên trong quá trình thử việc thì cần nắm được thời gian thử việc cũng như là quy định mức lương thử việc 2023 hiện nay. Có thể nói thời gian thử việc là một vấn đề rất quan trọng quyết định khả năng người lao động có được tuyển dụng chính thức vào công ty, doanh nghiệp hay không. Lương thử việc được quy định như thế nào? WINLEGAL sẽ cung cấp thông tin cho bạn trong bài viết dưới đây.
I. Một số vấn đề chung về lương thử việc
1. Lương thử việc là gì
Tiền lương thử việc là số tiền do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động trong thời gian thử việc trước khi hai bên chính thức giao kết hợp động lao động, hợp đồng làm việc và được tính căn cứ trên mức tiền lương chính thức của vị trí công việc mà người lao động đang thử việc.
2. Thời gian thử việc
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 thì thời gian thử việc sẽ do hai bên tự thỏa thuận phải đáp ứng các điều kiện về thời gian theo quy định và phụ thuộc vào tính chất của công việc mà người lao động làm thử.
– Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ
– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác
Theo đó thời gian thử việc sẽ được thực hiện theo như quy định trên tùy thuộc vào tính chất công việc và không áp dụng thử việc đối với những người lao động giao kết hợp đồng có thời hạn dưới một tháng.
3. Mức lương thử việc hiện nay
Theo quy định của Bộ luật lao động hiện nay, mức tiền lương thử việc của người lao động trong thời gian thử việc dựa trên sự thỏa thuận của bên sử dụng lao động với người lao động nhưng tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 mức lương được trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Đồng thời theo Điều 5 Nghị định này, với những công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề, trong điều kiện lao động bình thường, người sử dụng lao động còn phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
II. Những câu hỏi thường gặp về lương thử việc
1. Doanh nghiệp chi trả lương thử việc thấp hơn so với quy định
Cụ thể, theo Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 thì lương thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó. Và theo Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tùy vào hành vi sai phạm và mức độ sai phạm của người sử dụng động mà mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ khác nhau.
2. Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được hưởng lương không?
Các bên có thể thỏa thuận về các vấn đề trong thời gian thử việc như công việc, quyền, nghĩa vụ. Bên cạnh đó, nếu thấy cần thiết hai bên có thể tiến hành giao kết hợp đồng thử việc.
Ngoài ra, luật còn quy định trong thời gian nghỉ việc, một trong các bên có thể chấm dứt thỏa thuận việc thử việc mà không cần thông báo trước cũng như thực hiện trách nhiệm bồi thường khi công việc làm thử đó không đạt yêu cầu.
Do đó, người lao động khi cảm thấy công việc không phù hợp với bản thân có thể thực hiện thỏa thuận với người sử dụng lao động hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng làm việc mà không trái với quy định của pháp luật.
Khi chấm dứt thỏa thuận thử việc, người lao động vẫn sẽ được người sử dụng lao động trả số tiền lương tương ứng với số ngày mà người đó đã làm việc trên thực tế.
3. Không ký hợp đồng thử việc có được trả lương không
Hiện nay Luật không có quy định về hình thức của hợp đồng thử việc. Chính vì lẽ đó, hợp đồng thử việc không nhất thiết phải thông qua việc ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động vào một văn bản do hai bên đã thỏa thuận trước đó, mà hoàn toàn có thể xác lập thông qua lời nói hoặc hành vi của các bên.
Điều đó có nghĩa, khi hai bên đã thực hiện giao kết hợp đồng thông qua một trong các hình thức nếu trên thì hai bên phải có các quyền và nghĩa vụ với nhau theo quy định của pháp luật. Trong đó, bên sử dụng lao động phải có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền lương tương ứng với số ngày mà người lao động thực hiện việc làm thử.
Trong trường hợp khi chấm dứt hợp đồng thử việc mà phía người sử dụng lao động không thực hiện chi trả lương cho người lao động là trái pháp luật. Để bảo đảm quyền lợi của mình, người lao động hoàn toàn có thể yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ trả lương cho mình.
Nếu bên kia vẫn tiếp tục kéo dài không trả lương thì có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự về việc yêu công người sử dụng lao động trả tiền lương thử việc.
Trên đây là những quy định pháp luật về lương thử việc của người lao động. Nếu quý độc giả có nhu cầu tư vấn vui lòng liên hệ về:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly