Hợp đồng lao động cho người làm việc tự do – Freelancer có hay không?

Freelancer hiện nay đang là một trong những ngành nghề xu hướng của giới trẻ. Có cầu ắt có cung. Xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay cần thuê ngoài các cá nhân cung cấp các dịch vụ: Conten (Viết bài), PR(quảng cáo hình ảnh thương hiệu), Giới thiệu sản phẩm….

Theo quy định việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiện nay có nhu cầu thuê ngoài dịch vụ như trên để mang thông điệp tới người tiêu dùng thì giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với các Freelancer cung cấp dịch vụ đó hai bên ký kết loại hợp đồng nào? quyền và trách nhiệm giữa các bên được quy định ra sao? Bài viết này sẽ làm rõ các nội dung trên.

Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ, thế nào là người làm việc tự do (Freelancer):  Người làm việc tự do hay còn biết đến với tên Freelancer là những người làm việc theo cung cách tự quản, không bị giới hạn về quy củ, môi trường, địa điểm và thời gian làm việc.

Như vậy, nhóm đối tượng này (Freelancer) sẽ không bị ràng buộc quan hệ lao động được quy định trong Bộ luật lao động, bởi quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, căn cứ vào tính chất công việc, yêu cầu của hai bên, có thể thấy, về bản chất Freelance là một nghề nghiệp mang tính chất của một loại hình công việc dịch vụ, thời vụ, không có sự ràng buộc giữa hai bên về thời gian cố định, địa điểm làm việc, việc trả lương…..Rõ ràng, giữa hai bên không phát sinh quan hệ lao động, do vậy để đảm bảo quyền và lợi ích của hai bên trong mối quan hệ Cung  – Cầu nêu trên. Giữa hai bên nên giao kết loại hợp đồng dân sự đó là Hợp đồng dịch vụ.

Cụ thể loại hợp đồng này được quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Đối tượng của Hợp đồng dịch vụ:

Đối tượng của Hợp đồng dịch vụ này là công việc cụ thể có thể thực hiện được theo khả năng của bên cung cấp dịch vụ theo yêu cầu công việc của bên sử dụng dịch vụ, công việc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Quyền và trách nhiệm của người làm việc tự do (freelancer) trong hợp đồng dịch vụ

Điều 517 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 518 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm việc tự do hay còn gọi là bên cung ứng dịch vụ như sau:

Điều 517. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

  1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
  2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
  3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
  4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
  5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

Điều 518. Quyền của bên cung ứng dịch vụ

  1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
  2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
  3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Trả tiền dịch vụ

  1. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
  2. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
  3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  4. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ

  1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
  2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp này được hiểu là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. (theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo quy định này thì trường hợp bên đối tác (bên sử dụng dịch vụ) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ (người làm việc tự do) có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Mọi vướng mắc cần hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ :

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222

 

One thought on “Hợp đồng lao động cho người làm việc tự do – Freelancer có hay không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *